Nâng cao năng lực quản lý dịch hại trên cây lúa, hoa màu cho 2.250 nông dân (09:34 07/07/2020)


HNP - Đây là kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, cây màu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2016 đến 2020, các đơn vị trực thuộc Sở đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố liên tục triển khai thực hiện Chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa, cây màu. Kết quả, đã tổ chức được 75 lớp huấn luyện nông dân (61 lớp trên cây lúa, 10 lớp trên cây ngô, 2 lớp trên cây lạc, 2 lớp trên cây đậu tương) cho 2.250 nông dân tham gia.

Đồng thời, tổ chức 4 mô hình, quy mô 50ha/điểm mô hình về phòng trừ dịch hại tổng hợp, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI). Nhờ vậy, diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến của các địa phương hàng vụ đều tăng. Đến nay, mỗi vụ diện tích ứng dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật của SRI chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo cấy toàn thành phố; diện tích áp dụng không đầy đủ các biện pháp kỹ thuật của SRI (áp dụng từng phần) chiếm 40-50% tổng diện tích gieo cấy toàn thành phố, các biện pháp kỹ thuật được áp dụng chủ yếu là cấy mạ non, cấy thưa, cấy ít dảnh, bón giảm phân đạm.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình trên cây lúa, theo Sở NN&PTNT đã giảm chi phí sản xuất: Lượng giống sử dụng trung bình từ 28kg/ha xuống còn 14kg/ha (giảm 50%); phân đạm sử dụng trung bình từ 168 kg/ha còn 110kg/ha (giảm 34%); thuốc bảo vệ thực vật, tất cả các mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp hầu như không phải phun thuốc trừ sâu và trừ bệnh; chi phí tưới nước mỗi vụ giảm trung bình 2 lần tưới nước. Năng suất lúa của các mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp tăng trung bình 5,6 - 7 tạ/ha so với sản xuất theo tập quán cũ của địa phương (tăng 10-14%). Về hiệu quả kinh tế, các mô hình có hiệu quả tăng trung bình 6-8 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán cũ của địa phương (tăng 36 - 40%).

Thực hiện Chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa, trên cơ sở áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) giúp cây lúa khỏe, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận và dịch hại, năng suất lúa tăng và ổn định, sản xuất sẽ có tính bền vững; giảm lượng nước tưới, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do nước ngập thường xuyên trên ruộng lúa, giảm sử dụng chất hóa học nông nghiệp, nông dân áp dụng SRI chính là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây màu bước đầu cũng thu được những kết quả tích cực. Trên địa bàn thành phố đã tổ chức các lớp huấn luyện nông dân trên cây ngô, lạc, đậu tương giúp cho nông dân tìm ra mật độ gieo trồng, lượng phân bón, giai đoạn bón phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng của cây trồng, hạn chế sâu bệnh hại. Các kết quả thí nghiệm đã được nông dân ứng dụng vào sản xuất đại trà tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t