Giao lưu trực tuyến về lương và bảo hiểm xã hội từ 1/1/2021 (11:05 02/07/2020)


HNP - Sáng 02/7, tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Những điểm mới về lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021".

Các chuyên gia tham gia đối thoại với người lao động


Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Bá Vĩnh cho biết, từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền lợi của người lao động, vì vậy đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này… Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động. Đặc biệt, đề nghị Báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.
 
Tại hội nghị, Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân đã giải pháp về việc đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thay đổi theo Bộ luật Lao động mới. Theo đó, với quy định về đối thoại, trong Bộ luật lao động năm 2019 có một điểm mới là bỏ quy định về đối thoại định kỳ. Trước đây, Luật Lao động năm 2012 quy định doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại định kỳ mỗi quý 1 lần, một năm 4 lần nhưng trong Luật mới thì quy định doanh nghiệp chỉ tổ chức đối thoại một năm/lần và có thể kết hợp đối thoại trong hội nghị Người lao động. Về nội dung đối thoại, ngoài một số nội dung bắt buộc như: nội quy lao động, sa thải lao động… thì có thể lựa chọn đối thoại về bất cứ nội dung nào mà hai bên yêu cầu và việc đối thoại là để chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến giữa chủ doanh nghiệp với người lao động chứ không phải phải là thương lượng, bắt buộc phải thỏa thuận, quyết định nội dung nào đó.
 
Người lao động nêu câu hỏi tại buổi giao lưu
 
Đề cập về Luật Lao động mới, tuổi nghỉ hưu và liệu có sự khác biệt giữa người lao động làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân không? Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, với Luật Lao động mới và sự khác biệt, cho đến nay, chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào. Tuy nhiên, ở Luật Lao động hiện tại, theo các quy định pháp luật, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ như nhau, trừ trường hợp lao động trong các ngành nghề độc hại, vùng sâu vùng xa… mang tính chất đặc thù sẽ có quy định, hướng dẫn nghỉ hưu đặc thù.  
 
Liên quan đến sức khỏe người lao động, chuyên gia Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh, thông thường mỗi người lao động sẽ có các ngày nghỉ ốm trong năm. Nếu như theo quy định về số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ có từ 15-30 ngày trong năm. Khi người lao động không làm việc ở đơn vị thì sẽ không có lương tại đơn vị đó. Do đó, khi người lao động đi khám chữa bệnh sẽ do bảo hiểm xã hội trả tiền lương ốm.
 
Thông tin thêm về hợp đồng lao động, Luật sư Nguyễn Văn Hà chia sẻ, trường hợp UBND thành phố bổ nhiệm cán bộ thường là trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vốn quản lý, còn ở các loại hình doanh nghiệp khác thì không có hình thức bổ nhiệm cán bộ này. Theo đó, những vị trí cán bộ quản lý được thực hiện theo quy trình bổ nhiệm của nhà nước chính là những cán bộ, công chức được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tại doanh nghiệp và nắm giữ phần vốn của nhà nước nên sẽ không phải ký hợp đồng lao động. 
 
Riêng hợp đồng thử việc, không được coi là hợp đồng lao động, bởi vì hợp đồng lao động được xác lập khi phát sinh quan hệ lao động, gắn với quyền và nghĩa vụ hai bên, còn hợp đồng thử việc chỉ được lập trong một thời gian ngắn để hai bên xác định xem điều kiện làm việc, môi trường làm việc, công việc, năng lực của người lao động… có phù hợp với yêu cầu của mỗi bên không rồi mới quyết định xác lập hợp đồng lao động. Do đó, hợp đồng thử việc không phải là hợp đồng lao động…
 
Đối với những câu hỏi vượt quá thẩm quyền, các chuyên gia khẳng định sẽ tiếp thu và chuyển cấp có thẩm quyền xem xét…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t