Bảo vật quốc gia: Hội tụ những tinh hoa văn hóa (21:42 03/07/2020)


HNP - Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều bảo vật quốc gia nhất cả nước với 15 hiện vật, nhóm hiện vật. Đây là những hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, hoặc gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Song thực tế hiện nay một số hiện vật chưa được bảo quản, phát huy tương xứng với giá trị, do đó cần những giải pháp để gìn giữ và mang giá trị của bảo vật quốc gia đến với công chúng.

Trống đồng Cổ Loa được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội


Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có nhiều bảo vật quốc gia nhất trong cả nước, với tất cả 15 hiện vật, nhóm hiện vật. Những bảo vật quốc gia này trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, văn hóa. Cụ thể, thời kỳ văn hóa Đông Sơn có trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng. Thời Bắc thuộc, Hà Nội có chuông đồng Thanh Mai (tìm thấy ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai), đúc năm 798. Thời Lý, nổi bật là đôi tượng sư tử đá ở chùa Bà Tấm… Giai đoạn từ thời Lê, Mạc đến Lê Trung hưng là giai đoạn có nhiều bảo vật quốc gia nhất, tiêu biểu như: 82 tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh (quận Ba Đình), tượng Huyền Thiên Trấn Vũ (đền Trấn Vũ, quận Long Biên), hai pho tượng táng Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (huyện Thường Tín)… Về loại hình, các bảo vật quốc gia được tạo tác bằng nhiều vật liệu: Gốm, đồng, đá, gỗ… Và gần đây, vào cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 3 hiện vật, gồm: Chuông Nhật Tảo ở đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) là bảo vật quốc gia.
 
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Điều đáng tự hào là trong những bảo vật quốc gia nêu trên có nhiều hiện vật do chính bàn tay người thợ Thăng Long - Hà Nội làm ra. Điển hình như cây đèn gốm men lam thế kỷ 16, long đình thế kỷ 17 được tạo tác bởi thợ gốm Bát Tràng; bộ tượng tròn tại chùa Tây Phương được những người thợ tài hoa làng mộc Chàng Sơn làm ra; pho tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh là tác phẩm bằng đồng đen của những người thợ phường đúc đồng Ngũ Xã…
 
Trong số 15 bảo vật quốc gia, Bảo tàng Hà Nội hiện quản lý 4 hiện vật, gồm: Chuông đồng Thanh Mai, trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng, long đình gốm Bát Tràng, đèn gốm men lam Bát Tràng. Đây cũng là những bảo vật quốc gia được công chúng biết đến nhiều nhất. Từ năm 2015 đến nay, các bảo vật này đã nhiều lần được trưng bày tại các sự kiện như: chuyên đề Cổ vật tiêu biểu; chuyên đề Bảo vật quốc gia, Thăng Long - Hà Nội trong năm 2017 - 2018; được giới thiệu trên website của Bảo tàng Hà Nội;…
 
Tuy nhiên, bảo vật nằm rải rác ở các di tích dẫn đến những bất cập trong công tác bảo quản, quản lý, phụ thuộc vào ý thức của Ban Quản lý di tích, chính quyền địa phương. Hiện nay, chỉ duy nhất Bảo tàng Hà Nội có “chế độ riêng” trong bảo quản, gìn giữ bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia được lưu trữ trong kho hiện vật quý hiếm, được bảo đảm an ninh, an toàn với hệ thống kho hiện đại, hệ thống camera và nhân viên an ninh trực 24 giờ. Một số địa phương cũng quan tâm công tác này, song phần lớn sau khi được công nhận thì công tác bảo quản, giữ gìn vẫn như cũ. Mặt khác, nhiều bảo vật là đồ thờ trong di tích, bắt buộc phải giữ nguyên vị trí trong di tích, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu, con người. Một số nơi muốn tìm giải pháp bảo quản, nhưng lúng túng về kỹ thuật...Bên cạnh đó, công tác phát huy giá trị chưa được quan tâm đúng mức.
 
Theo các chuyên gia, các địa phương sở hữu bảo vật quốc gia cần có báo cáo định kỳ về việc bảo vật được trông nom, phát huy giá trị. Ngành văn hóa Hà Nội nên đề xuất thành phố có những quy định cụ thể về cơ chế, kinh phí dành riêng cho việc bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Từ việc thực hiện tốt công tác bảo quản, mới có thể tính tiếp những biện pháp phát huy giá trị. 
 
Đối với những bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, bảo vật quốc gia sẽ được đưa ra trưng bày trong thiết kế hệ thống trưng bày thường xuyên sắp tới của Bảo tàng. Những hiện vật này được thiết kế đặc biệt với hệ thống tủ, thiết bị bảo quản gắn với tủ trưng bày, ánh sáng hiện đại. Đơn vị cũng dự kiến áp dụng công nghệ 3D đối với hiện vật là bảo vật quốc gia để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách nước ngoài.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t