Test nhanh: Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực phòng, chống dịch Covid-19 (16:22 02/04/2020)


HNP - Thực hiện xét nghiệm nhanh (test nhanh) sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, qua xét nghiệm nhanh nếu phát hiện sớm ca bệnh, người nhiễm bệnh được điều trị kịp thời và công tác xử lý, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh được triển khai quyết liệt hơn, tránh lây lan rộng ra cộng đồng, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Cán bộ y tế tiến hành xét nghiệm máu của người dân


Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, hiện nay, Trung tâm đã triển khai xét nghiệm chẩn đoán xác định kỹ thuật sinh học phân tử trên máy Realtime RT-PCR. Đây được xem là kỹ thuật hiện đại, chẩn đoán chính xác có mắc dịch bệnh Covid-19 hay không. Tuy nhiên, để tổ chức sàng lọc phát hiện sớm những người nghi ngờ nhiễm dịch bệnh Covid-19 thì thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh (nhập khẩu từ Hàn Quốc) cho kết quả sau 10 phút. Việc thực hiện test nhanh góp phần phát hiện sớm những trường hợp nhiễm bệnh để thực hiện các biện pháp phòng dịch kịp thời như: cách ly, điều trị, xét nghiệm khẳng định, khoanh vùng, xử lý ổ dịch... không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. 
 
Hà Nội đã thực hiện triển khai ở những điểm liên quan đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở khu vực có ổ dịch, cụ thể ở đây là khu vực Bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian từ ngày 10/3/2020. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã điều tra, rà soát các đối tượng đi/đến/ở khu vực có ổ dịch và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với các địa phương có đông đối tượng tổ chức thành lập các trạm xét nghiệm nhanh cho người dân. Theo đó, ngày 31/3, Sở Y tế đã lập 04 điểm xét nghiệm nhanh tại cộng đồng (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Oai). Từ 02/4, thành phố sẽ triển khai lắp đặt các trạm test nhanh trên diện rộng, phục vụ tất cả người dân ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai…
 
Các trạm xét nghiệm nhanh được dựng lên đảm bảo các quy định và điều kiện thực hiện xét nghiệm từ vị trí sạch sẽ - thông thoáng đến việc đáp ứng các yêu cầu phòng chống nhiễm khuẩn. Các khâu tiếp đón; khử khuẩn; khai báo y tế; nhập máy quản lý; xét nghiệm; khu vực chờ kết quả được bố trí 1 chiều và các ghế ngồi cách nhau 2m. Các bộ phục vụ công tác xét nghiệm đều mang bảo bộ cẩn thận, đón tiếp, phục vụ chu đáo người dân. Những người đến xét nghiệm đều phải đeo khẩu trang, khử khuẩn tay nhanh, ngồi cách xa nhau 2m và được gọi xét nghiệm theo thứ tự. Quanh khu vực xét nghiệm, thường xuyên được phun hóa chất khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân.
 
Người dân quận Đống Đa làm test nhanh sàng lọc Covid-19
 
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Đối với việc chẩn đoán dịch bệnh Covid-19, để khẳng định phải dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Và toàn thế giới hiện nay đều áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, để sàng lọc phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để cách ly y tế và xét nghiệm khẳng định thì việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Test nhanh có 2 loại, 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể. 
 
Ông Nguyễn Nhật Cảm giải thích: Kháng thể là chất cơ thể sinh ra để chống lại các tác nhân vi rút. Phải có thời gian nhất định thì mới có kháng thể. Khi có kháng thể, có nghĩa rằng cơ thể mình có thể đã xuất hiện vi rút xâm nhập, lúc đó máu mới kích thích để sản sinh ra kháng thể và là dấu hiệu cảnh báo để chúng ta sàng lọc. Khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được nhiễm bệnh. Chính vì vậy, nếu test nhanh có kết quả là dương tính thì cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR. 
 
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo: Khi test nhanh có kết quả âm tính, nếu trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5-7 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại. Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên rồi, mà xét nghiệm âm tính về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm. 
 
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế): Phương pháp xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm khẳng định đều có những thuận lợi và hạn chế nhất định. Mỗi phương pháp sẽ có những tính ưu việt riêng. Trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng làm như vậy với mục đích tìm ra phương pháp ngăn chặn dịch Covid-19 một cách kịp thời nhất.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t