Hà Nội: Chuẩn bị tốt cho mùa lễ hội Xuân Canh Tý (22:03 16/01/2020)


HNP - Vào tháng 12, đầu tháng 1 hàng năm là thời điểm mà nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội gấp rút chuẩn bị cho công tác tổ chức lễ hội. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp các địa phương siết chặt công tác quản lý, tuyên truyền, vận động người dân để có một mùa lễ hội an toàn và văn minh.

Lễ hội chùa Hương thu hút đông đảo du khách


Theo thống kê, hiện, thành phố có khoảng 1.200 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào dịp đầu Xuân, trong đó, những lễ hội như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), Gò Đống Đa (quận Đống Đa)… là những lễ hội lớn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Những lễ hội lớn thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng mê tín, dị đoan, mất trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… 
 
Trước thực trạng nhiều lễ hội được tổ chức rải rác trong suốt ba tháng đầu Xuân khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Do đó, để chủ động cho công tác quản lý, ngày 31/12/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5803/UBND-KGVX gửi các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện về việc quản lý công tác tổ chức lễ hội Xuân Canh Tý. Theo đó, thành phố yêu cầu các cơ quan kiên quyết xử lý tình trạng tăng, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức… 
 
Trong số các lễ hội, không thể không nhắc đến lễ hội chùa Hương (khai hội mồng 6 tháng Giêng). Đây là lễ hội được quan tâm nhiều nhất trên địa bàn, do diễn ra trong không gian rộng, thời gian dài và thu hút đông du khách. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, huyện Mỹ Đức tổ chức học tập, tuyên truyền, giới thiệu giá trị khu danh thắng Hương Sơn, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch, các quy định về giao thông đường thủy nội địa, các quy định về kinh doanh dịch vụ trong tổ chức lễ hội… đến để người dân trong xã Hương Sơn (nơi có thắng cảnh chùa Hương) nắm rõ và thực hiện. Năm nay, Ban tổ chức cũng quy định các đơn vị kinh doanh phải lắp biển hiệu đồng nhất về chiều cao để góp phần cải tạo mỹ quan; tổ chức thu gom, quản lý rác thải. Đối với khách thập phương, Ban tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không rải tiền lẻ, giắt tiền vào tay tượng thờ. 
 
Cung cấp thông tin về lễ hội chùa Hương tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2020 Nguyễn Văn Hậu cho biết: Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt những biểu hiện tiêu cực, như: Trốn lậu vé; chèo kéo, vòi tiền du khách; dịch vụ đổi tiền lẻ, quảng cáo bán hàng bằng loa đài... Tất cả hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải niêm yết số điện thoại và giá. Các thuyền, đò vận chuyển khách phải có giỏ đựng rác, phao cứu sinh và chở đúng số người quy định.
 
Cùng với lễ hội Chùa Hương, lễ hội đền Sóc (khai hội mồng 6 tháng Giêng) cũng là lễ hội lớn và được công chúng quan tâm. Do đó, huyện cùng nhân dân địa phương đang tích cực công tác chuẩn bị. Nếu như trước đây, sau khi dâng lễ, Ban tổ chức phát lộc ở đền Hạ. Quá trình rước giò hoa tre và trầu cau thường xảy ra tình trạng cướp lễ vật; khi tán lộc từng xảy ra ẩu đả. Từ năm 2018, lễ hội đền Sóc đã thay đổi hình thức tán lộc. Ban tổ chức không tổ chức rước giò hoa tre xuống đền Hạ và cũng không tung lộc để mọi người tranh giành. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, nhận được sự ủng hộ của các nhà chuyên môn và người dân, lễ hội năm nay, Ban tổ chức cũng tiếp tục có những đổi mới, đồng thời, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu thêm về nghi lễ. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu xin lộc của khách hành hương, số lượng giò hoa tre năm nay sẽ tăng lên khoảng 200 đến 300 chiếc.
 
Hay như lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (diễn ra  từ mùng 7- 9 tháng Giêng) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng: Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, từng bước phục dựng các nghi thức truyền thống để nâng tầm lễ hội. Trong đó, nghi lễ rước kiệu liên vùng lần đầu tiên sẽ được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Theo lãnh đạo huyện, năm nay lễ hội sẽ tổ chức sớm một tuần, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và du khách về dự hội…
 
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết: Việc tổ chức lễ hội năm 2019 của Hà Nội có nhiều tiến bộ, được các cơ quan chức năng và dư luận đánh giá cao. Tinh thần chung là phát huy kết quả đã đạt được của mùa lễ hội năm ngoái, đồng thời, cố gắng khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Hai nội dung chính sẽ được triển khai là tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm. Những yếu tố không phù hợp với xã hội trong lễ hội sẽ được vận động để người dân loại bỏ dần dần…
 
Nhằm tạo không khí vui tươi cho công chúng Thủ đô nói chung và du khách trong, ngoài nước nói riêng tới dự hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khuyến khích các đơn vị tổ chức các trò chơi dân gian lành mạnh như: Đi cà kheo, nấu cơm thi, đi cầu thăng bằng, đập niêu, kéo co, đấu vật, cờ tướng… Bên cạnh đó, ngoài hoạt động thanh tra liên ngành của thành phố, các quận, huyện cũng lập các đoàn thanh tra để theo sát công tác tổ chức tại các địa phương. Với sự chủ động vào cuộc của các cơ quan chức năng từ sớm, mùa lễ hội 2020 trên địa bàn Hà Nội sẽ hạn chế được những tiêu cực, tiếp tục là mùa lễ hội an toàn, văn minh với người dân cũng như du khách thập phương.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t