Tái cấu trúc ngành chăn nuôi Hà Nội: Theo hướng khoa học, bài bản (14:03 26/11/2019)


HNP - Phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, thiết thực: Không những nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường... Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cần phải tái cấu trúc một cách khoa học, bài bản hơn.

Nâng cao chất lượng giống vật nuôi

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng. Theo tính toán, giá trị sản xuất chăn nuôi của thành phố Hà Nội hiện chiếm gần 53% GDP trong sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đáng chú ý, Hà Nội là trung tâm cung cấp con giống chất lượng cao hàng đầu của cả nước bằng việc đưa những giống mới vào sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Trong sản xuất giống bò sữa trên địa bàn thành phố, tỷ lệ giống bò HF thuần chủng là 12%, giống bò HFF3 là 70%, giống bò HFF2 là 12%, giống bò HFF1 là 6%. Còn giống bò thịt, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm trên 90%, trong đó, bò lai sind là 60%, bò lai Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus là hơn 30%). Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái sinh sản đạt gần 80%. Hằng năm, thành phố cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 bê sữa và 80.000 bê thịt các loại, 100.000 liều tinh cọng rạ. Nổi bật trong lĩnh vực chăn nuôi bò là thành phố đã triển khai dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, dự án này đã lai tạo và sản xuất được trên 130 nghìn bê lai F1 BBB, mang lại giá trị thu nhập tăng thêm đối với chăn nuôi bò thịt gần 1.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực sản xuất giống lợn, giống gia cầm của thành phố Hà Nội cũng thu được kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, toàn thành phố hiện có 116.971 con lợn nái ở 32.261 cơ sở, hộ chăn nuôi, 1.917 con lợn đực giống ở 516 cơ sở, hộ chăn nuôi. Trong đó, có 3.600 con lợn nái, lợn đực giống ông bà ngoại được nuôi tại 20 cơ sở, còn đàn lợn nái bố mẹ ngoại thuần chủng có khoảng 44.000 con nuôi tại 1.086 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội chủ yếu sản xuất giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, giảm dần đàn lợn đực giống trong dân và xây dựng cơ sở sản xuất tinh tự động ứng dụng công nghệ cao, trung bình, mỗi năm sản xuất 300.000-500.000 liều tinh lợn/năm. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên địa bàn toàn thành phố đạt 80%, hằng năm sản xuất ra 4 triệu con lợn giống.

Đáng nói, sản xuất giống gia cầm, thủy cầm có những chuyển biến mạnh cả về đối tượng và giống vật nuôi. Đến nay, tổng đàn gia cầm của thành phố có hơn 28 triệu con. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đã hình thành 9 vùng phát triển chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn. Cụ thể: 4 vùng chăn nuôi gà đẻ, gà thịt công nghiệp với hơn 4 triệu con tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đông Anh…; 2 vùng chăn nuôi gà thả vườn với gần 888.900 con tại huyện Ba Vì và Sóc Sơn; 3 vùng chăn nuôi vịt với hơn 733.000 con tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai. Tổng đàn tại 9 vùng phát triển chăn nuôi gà chiếm 20% tổng đàn gia cầm toàn thành phố. Ngoài ra, thành phố có 29 xã chăn nuôi trọng điểm chăn nuôi hơn 5,8 triệu con gà, chiếm 20% tổng đàn của thành phố; 2.611 trại chăn nuôi gà ngoài khu dân cư với gần 7,9 triệu con, chiếm 27% tổng đàn toàn thành phố. Đàn gà bố mẹ được nuôi tại các cơ sở sản xuất giống khoảng 414.000 con, chủ yếu là các giống gà: Lương Phượng, gà Mía lai ri, gà hoa và một số giống gà màu, Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập,...

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất

Có thể nói, việc triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách căn cơ, bài bản, Hà Nội đã thu được những kết quả ngoài sự mong đợi. Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm (15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và hơn 3.800 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó, có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại). Thành phố đã định hình được 52 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa; xây dựng thành công 5 nhãn hiệu tập thể (Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình - Ứng Hòa, trứng vịt Liên Châu - Thanh Oai); trên 30 nhãn hiệu hàng hóa (trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729 Ba Vì, thực phẩm AZ, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu...); 1 nhãn hiệu chứng nhận do Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội chứng nhận cho sản phẩm an toàn - sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố nhưng chưa có vắc xin, thuốc đặc trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi lợn. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, chăn nuôi lớn gần khu dân cư và chăn nuôi ở các hộ nhỏ lẻ; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát trong khu dân cư còn lớn làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh cao; chăn nuôi tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ, công tác quản lý giống vật nuôi chưa đồng bộ…, cũng là những khó khăn trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cấu trúc ngành chăn nuôi một cách khoa học, bài bản hơn. Trong đó, trọng tâm là ưu tiên cho công tác quy hoạch, định hướng phát triển chăn nuôi. Theo đó, đến năm 2020, thành phố phấn đấu năng giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 50% giá trị sản xuất chăn nuôi; tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi 4,5-5%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tối thiểu 4%/năm; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai đạt trên 80%; đối với lợn và gia cầm, tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật đạt khoảng 90%; tỷ lệ lợn chăn nuôi theo quy trình VietGAHP 5%, gà 5%.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh. Theo tính toán, tổng đàn vật nuôi tại các khu vực này chiếm 35-40% tổng đàn toàn thành phố vào năm 2020. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển đàn lợn bản địa tại một số vùng đồi gò ở các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn..., chăn nuôi theo hướng VIETGAHP, hữu cơ, sinh học để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

“Đi đôi với nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, thành phố sẽ thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t