Bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020: Nhiệm vụ cấp bách (19:56 11/11/2019)


HNP - Dự báo vụ Đông Xuân 2019-2020, TP Hà Nội sẽ gặp không ít khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc xác định các kịch bản, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, từ đó có phương án điều chỉnh, bổ sung phù hợp là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay...

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước

Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn TP Hà Nội gieo trồng 112.000ha, trong đó: Lúa 90.000ha, rau, màu 22.000ha (ngô 5.000ha, rau đậu các loại 9.500ha, lạc 2.000ha, đậu tương 400ha, khoai lang 400ha, hoa cây cảnh 2.200ha…). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, khung thời vụ gieo cấy lúa năm nay tập trung sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các tỉnh phía Bắc nói chung và TP Hà Nội nói riêng sẽ gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vụ Đông Xuân 2019-2020, dự báo khả năng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến những tháng đầu năm 2020 với xác suất khoảng 75% vào cuối năm 2019 và giảm dần còn khoảng 55 đến 60% vào những tháng đầu năm 2020. Dự báo tổng lượng mưa từ tháng 11-2019 đến tháng 3-2020, từ 20 đến 40mm/tháng. Trong tháng 4-2020, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 25%. Mực nước sông từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020, trên các sông suối khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 30 đến 50%. Các hồ thủy lợi có khả năng sẽ không tích được đầy nước, phổ biến thiếu hụt 10-20% so với dung tích thiết kế. Thực tế, mực nước và dung tích các hồ chứa trên địa bàn thành phố hiện nay đều dưới dung tích thiết kế, trung bình chỉ đạt 81%. Cụ thể, các hồ Ban Tiện chỉ đạt 55% dung tích thiết kế, Suối Hai 66%, Đồng Quan 69%, Đền Sóc 69%, Đồng Mô 78%, Kèo Cà 89%, Tân Xã 93%, Đồng Đò 96%, Mèo Gù 98% dung tích thiết kế.

Dự kiến, vụ Xuân năm 2020, tại các tỉnh phía Bắc, trong đó, có TP Hà Nội có 3 đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, kéo dài khoảng 18 ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 20-01 đến 24-2-2020, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong thời gian xả nước chỉ đạt mức từ dương 1,4 đến 2m. Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn cao điểm lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, tổng lượng mưa trên toàn lưu vực tiếp tục thiếu hụt 15-20%. Trong giai đoạn này, dung tích hồ thủy điện Sơn La dự báo chỉ đạt 44%, Thác Bà 52%, Hòa Bình 67%, Tuyên Quang 95% so với dung tích thiết kế của hồ…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để bảo đảm đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đi đôi với xây dựng kịch bản chi tiết cho từng vùng, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có các giải pháp chung phòng, chống hạn phục vụ sản xuất vụ Xuân 2020. Theo đó, các sở, ngành thành phố sẽ phát huy năng lực các công trình thủy lợi hiện có, đồng thời kế thừa kinh nghiệm chống hạn trong những năm qua, tận dụng tối đa các đợt xả nước của hồ thủy điện để cấp nước đổ ải cho 90.000ha lúa, đảm bảo nước tưới dưỡng cho lúa và cấp nước tưới cho 22.000ha cây màu…

Đáng chú ý, Sở NN&PTNT đã đề xuất các giải pháp chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân bảo đảm hiệu quả, thiết thực để từng bước không phụ thuộc vào điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện. Theo đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, nhất là công trình lấy nước không hiệu quả trong vụ Xuân 2019 để có phương án lấy nước phù hợp. Đồng thời, nâng cấp, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể vận hành chủ động, không phụ thuộc hoặc ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện để đẩy nhanh tiến độ lấy nước. Tăng cường nạo vét bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng, đặc biệt các cửa dẫn nước chính, như: Sơn Đà, Phù Sa, Thanh Điềm, Đan Hoài, Liên Mạc, Ấp Bắc, Hồng Vân, Thụy Phú 2…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, vụ Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất của TP Hà Nội, do vậy, khi các hồ thủy điện điều tiết xả nước, các sở, ngành và địa phương thành phố sẽ tập trung toàn bộ công trình hiện có, công trình dã chiến để khẩn trương lấy nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn nước khi còn thuận lợi để bơm tích vào các kênh tiêu, ao hồ, vùng trũng phục vụ đổ ải và tưới dưỡng cho lúa…

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2020 trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố trong việc quản lý vận hành hệ thống thủy lợi, đặc biệt chỉ đạo xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; chỉ đạo các xã, hợp tác xã sớm làm chiến dịch thủy lợi nội đồng; tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân tự giác bảo vệ công trình thủy lợi, không đổ rác, phế thải xuống các tuyến kênh…


Ngày 6-11, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Phương án số 73/PA-SNN, về phòng, chống hạn phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2020, trong đó, đề nghị Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng phương án cấp điện hợp lý. Ưu tiên đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tưới và trạm bơm dã chiến, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối lớn: Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Thanh Điềm, Bá Giang, Đan Hoài, Ấp Bắc, Hồng Vân, Thụy Phú, Thụy Phú 2, La Khê, Cao Bộ, Cao Xuân Dương, Xóm Cát, Thái Bình...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t