Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp đạt 95% (20:07 10/11/2019)


HNP - Đó là một trong những kết quả nổi bật trong ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái của TP Hà Nội vừa được Sở NN&PTNT công bố.

Theo đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua thu được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý: Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 95%, thu hoạch đạt 85,5%, gieo cấy đạt 2,45%, phun thuốc trừ sâu đạt 28,8%... Đến nay, diện tích lúa cấy bằng máy toàn thành phố đạt 3.886ha, tập trung tại các huyện: Phú Xuyên, Mê Linh, Đông Anh, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai... Diện tích lúa gieo sạ đạt 7.747,6ha, tập trung ở các huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ...

Còn diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) toàn phần trên địa bàn thành phố là hơn 20.993ha và ứng dụng từng phần 103.944ha. Các huyện có nhiều diện tích ứng dụng SRI, gồm: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa... So với tập quán nông dân canh tác truyền thống, lượng giống giảm 19kg/ha; lượng phân bón giảm 149kg/ha; giảm 2 lần tưới nước/vụ, giảm 30% chi phí tưới nước…, trong khi đó, năng suất lúa tăng 3,6tạ/ha. Ngoài ra, còn nâng cao nhận thức cho nông dân, nâng cao năng suất, ít sâu bệnh, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Quản lý dịch hại tổng hợp là biện pháp canh tác lúa bền vững, đơn giản, dễ áp dụng, mang lại hiệu quả cao đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…

Theo Sở NN&PTNT việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau, quả, chè cũng có nhiều đột phá mới. Đến nay, trên địa bàn thành phố triển khai 144 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như: Bẫy dính màu phòng trừ sâu hại, bẫy bả chua ngọt trừ trưởng thành họ ngài đêm, che vòm nilon sản xuất rau trái vụ, ngâm nước hạn chế sâu, bệnh hại trong đất; bón phân hữu cơ cải tạo đất, nuôi thả ong ký sinh phòng trừ sâu tơ hại rau... Qua đó, nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình, tiến bộ kỹ thuật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, sản phẩm sản xuất theo chuỗi được người tiêu dùng tin tưởng. Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ tăng lên.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đơn cử như mô hình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAp ở huyện Phúc Thọ, mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức, mô hình trồng bưởi hữu cơ ở huyện Chương Mỹ; cam Canh ở xã Cao Viên, Kim An (huyện Thanh Oai); trồng nhãn chín muộn ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) và xã An Thượng, Song Phương (huyện Hoài Đức); trồng ổi Đông Dư ở xã Đông Dư (huyện Gia Lâm); trồng chè ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) và xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn)...

Kết quả thực hiện các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã giúp nhận thức của người sản xuất quả, chè được nâng lên, thay đổi cơ bản tập quán sản xuất: Không dùng phân tươi, nước ô nhiễm để bón và tưới cho cây trồng; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, mà được thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độ độc thấp, thời gian phân hủy nhanh; phun thuốc tuân thủ nghiêm thời gian cách ly... Từ đó, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương mại, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t