Phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm ở Hà Nội: Chủ động ngăn ngừa từ xa (14:56 30/10/2019)


HNP - Thời điểm này, thời tiết giao mùa rất dễ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhất, ngăn ngừa dịch bệnh này từ xa.

Tiềm ẩn nguy cơ cao

Theo tổng hợp, Hà Nội có tổng đàn gia cầm đứng tốp đầu cả nước. Hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố là hơn 26,6 triệu con, trong đó, số lượng gia cầm chăn nuôi trong các hộ dân khoảng 24,5 triệu con, chiếm 91,8%, số còn lại là chăn nuôi tập trung của doanh nghiệp. Mặc dù có tổng đàn với số lượng lớn, nhưng phương thức chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây nên. Các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành trên cả nước, trong đó, thành phố Hà Nội chủ yếu là cúm A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8, H5N6. Các chủng vi rút này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm, đặc biệt là thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ tại xã Lê Lợi (huyện Thường Tín). Chợ này buôn bán gia cầm sống lớn nhất khu vực phía Bắc, hằng ngày xuất, nhập khoảng 50-60 tấn gia cầm, thủy cầm sống (tương đương 25.000 đến 30.000 con). Số lượng gia cầm, thủy cầm đưa về chợ Hà Vỹ tiêu thụ đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng lượng thịt gia cầm, thủy cầm khá nhiều để bù đắp cho việc thiếu hụt thịt lợn nên số lượng gia cầm, thủy cầm đưa về tiêu thụ tại chợ Hà Vỹ tăng mạnh. Mặt khác, trên địa bàn thành phố có 456 cơ sở giết mổ nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ. Do tập quán chủ yếu sử dụng gà tươi sống nên ở các chợ, diễn ra tình trạng giết mổ gia cầm tại nơi buôn bán khá phổ biến. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nếu không thực hiện tốt công tác phòng, chống, những hạn chế này rất có thể tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm. Dịch bệnh này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng, thiệt hại lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và ô nhiễm môi trường…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, sẵn sàng ứng phó với các chủng vi rút nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh này xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe và cộng đồng…

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, triển khai kế hoạch của thành phố, Sở NN&PTNT sẽ tập trung triển khai 5 nội dung. Trong đó, tập trung tuyên truyền về bệnh cúm gia cầm, các chủng vi rút, tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng giống gia cầm rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; vận động người dân tự giá báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh cúm gia cầm…, từ đó, giảm thiểu các hành vi làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, Sở NN&PTNT thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là xử lý ổ dịch cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y và thông tư của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn…  

Ngay sau khi kế hoạch của thành phố ban hành, nhiều địa phương đã có phương án phòng, chống cúm gia cầm cụ thể cả trước mắt và lâu dài. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, 100% các phường của quận đã xây dựng phương án phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025; đồng thời, tổ chức kiểm soát dịch bệnh, chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch, không để cúm gia cầm lây lan ra diện rộng; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm, lây lan trên địa bàn quận… Tương tự, huyện Phú Xuyên cũng đã có kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, các xã, thị trấn của huyện đã phân công trách nhiệm cụ thể để có cơ sở thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cúm gia cầm. Cùng với đó, các cấp, các ngành của huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất, nhập gia cầm, các điểm giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiểm soát kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại chợ dân sinh, chợ tự phát; giám sát chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, khoanh vùng bao vây ổ dịch không để dịch lây lan ra diện rộng. Huyện Phú Xuyên cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia cầm trong trường hợp phát hiện dịch bệnh cúm gia cầm…

“Bệnh cúm gia cầm, nhất là cúm A/H7N9 là dịch bệnh nguy hiểm và còn có khả năng lây sang người nên công tác phòng, chống dịch bệnh này cần được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp của cả cộng đồng. Có như vậy, mới hạn chế thấp nhất dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn thành phố”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh. 


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t