Bảo đảm an toàn nông sản tại các chợ: Thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu (14:49 30/10/2019)


HNP - Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản tại các chợ là mối quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng Thủ đô. Tuy vậy, trong công tác quản lý về vấn đề này trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu hơn.

Những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó, 197 chợ thành thị, 257 chợ nông thôn. Còn kết quả rà soát của các địa phương, toàn thành phố có 14.028 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong các chợ. Trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 3.237 hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do cấp huyện, cấp xã quản lý; 10.789 cơ sở không có đăng ký kinh doanh, nhỏ lẻ. Phần lớn các cơ sở trong chợ kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống, sản phẩm thô phục vụ người tiêu dùng.

Nhìn chung, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng thành phố đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các nội dung bảo đảm ATTP. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên. Riêng Sở NN&PTNT Hà Nội, từ ngày 15/7 đến 15/10 vừa qua, đã phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải hàng trăm tin, bài về bảo đảm ATTP và phối hợp với đài truyền thanh các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phát 3.697 lượt tin, bài, 1.500 tờ rơi hướng dẫn sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã mở 18 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ quản lý chất lượng, ATTP nông sản cho 1.600 cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã; 33 lớp tập huấn cho 2.921 người sản xuất kinh doanh nông sản và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản…; 23 lớp tập huấn, hội thảo kiến thức tiêu dùng thực phẩm, nhận diện sản phẩm theo chuỗi, lựa chọn thực phẩm an toàn cho 2.290 người tiêu dùng; 18 lớp tập huấn quy định về truy xuất nguồn gốc, khuyến khích cơ sở áp dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức của các tiểu thương kinh doanh tại chợ đối với việc bảo đảm vệ sinh ATTP, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

Đáng nói, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng thành phố trong công tác kiểm tra bảo đảm vệ sinh ATTP tại chợ thời gian qua cũng được tăng cường. Đơn cử, từ ngày 15/7 đến 15/10 vừa qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã thanh tra, kiểm tra tại 167 tổ chức sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản, qua đó phát hiện 37 cơ sở các hành vi vi phạm và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 tổ chức hơn 72,8 triệu đồng. Còn tại cơ sở, cơ quan chức năng quận, huyện, thị xã phối hợp với ngành Nông nghiệp kiểm tra 4.826 lượt cơ sở kinh doanh trong chợ. Qua đó, phát hiện, lập biên bản cảnh cáo 74 trường hợp, phạt tiền 96 trường hợp hơn 232,6 triệu đồng, tiêu hủy 18 con gia cầm, 329kg thịt lợn và 60kg thịt gia cầm.

Khắc phục những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn. Theo ông Tạ Văn Tường, khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng một số chợ đã xuống cấp, nhất là các chợ ở khu vực ngoại thành, chưa đáp ứng điều kiện ATTP. Mặt khác, sự hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về vệ sinh ATTP của các tư thương tại các chợ còn hạn chế nên việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại chợ chưa cao. Thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh ATTP của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, do đó, dễ chấp nhận việc sử dụng những sản phẩm và đồ bao gói không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh ATTP… Trong khi đó, cán bộ làm công tác ATTP nông sản tuyến cơ sở chủ yếu dựa vào lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã. Song lực lượng này thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương để triển khai nhiệm vụ này hiệu quả chưa cao.

Ðể khắc phục hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự quan tâm từ nhiều cơ quan có liên quan. Chẳng hạn, về mặt quản lý, các bộ, ngành trung ương cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về quản lý ATTP tại các chợ; có hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tươi sống nói chung và sản phẩm động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh, bởi, hiện nay, vận chuyển nội tỉnh không phải kiểm dịch thú y.

Cùng với đó, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa bố trí ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng chợ nhằm bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác trong chợ…

Với cơ sở, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý về ATTP, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp trong chợ. Đi đôi với tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cần củng cố quy trình sản xuất. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thường xuyên cập nhật các quy định mới về ATTP và thực hiện đúng quy định... Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang...


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t