Sản xuất và tiêu thụ thủy sản ở Hà Nội: Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển (14:22 17/10/2019)


HNP - Nhờ đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội tăng cả về quy mô và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo nhận định, vẫn còn nhiều dư địa cho thị trường thủy sản trên địa bàn thành phố để phát triển. Vấn đề đặt ra là tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thủy sản...

Mới đáp ứng được 43,5% nhu cầu

Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn ở các tỉnh phía Bắc. Toàn thành phố có 22.400ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 115.000 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 5,1 tấn/ha. Tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Ứng Hòa, Thường Tín, Ba Vì..., năng suất bình quân đạt từ 10 đến 12 tấn/ha. Theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND thành phố về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố, thì tổng diện tích vùng chuyên canh thủy sản hiện có là 5.397ha. Trong khi đó, diện tích quy hoạch là 9.167ha, đây là những diện tích có thể đầu tư để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho người dân và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch thời gian tới.

Theo Sở NN&PTNT, cơ cấu thủy sản trên địa bàn thành phố khá đa dạng, theo hướng chất lượng cao, trong đó: cá Chép là 35%, cá Trôi 20%, cá Trắm cỏ 25%, cá Rô phi chỉ 8%, cá Mè 5%, còn lại các loại cá khác là 7%. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, như: Cá Trắm cỏ, Chép, Trôi, Mè, cá Rô phi và một số loài thủy sản đặc sản, gồm cá Lăng, Điêu hồng, Trắm đen, Trắm giòn, Chép giòn... Các đối tượng được đưa vào nuôi mang lại giá trị kinh tế cao: Rô phi, Trắm cỏ, Chép. Đây là những đối tượng chủ lực, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Để nâng cao năng suất, chất lượng, Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như mô hình nuôi thâm canh cá chép lai, tôm càng xanh siêu đực, mô hình nuôi cá “sông trong ao”...

Mặc dù quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, nhưng nguồn cung thủy sản vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có chợ cá Yên Sở ở quận Hoàng Mai, tiêu thụ chủ yếu là các sản phẩm thủy sản tươi sống có nguồn gốc của Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố với số lượng khoảng 25.000 tấn năm. Ngoài ra, thủy sản còn tiêu thụ ở các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố. Ở một số huyện khu vực ngoại thành đã có quy hoạch các chợ thủy sản nhưng chưa triển khai xây dựng do thiếu nguồn lực đầu tư. Theo tính toán, mỗi năm, Hà Nội tiêu thụ khoảng 264.000 tấn thủy sản, nhưng sản xuất tại chỗ của thành phố mới đáp ứng được 43,5% nhu cầu.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, thị trường tiêu thụ thủy sản trên địa bàn thành phố đang có nhiều dư địa để phát triển, hiện mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản đang tăng trưởng hằng năm. Hiện nay, lượng tiêu thụ cá của người dân Hà Nội khoảng 24kg/người/năm và mức tiêu thụ này có chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới khi người dân thành phố có mức thu nhập cao hơn.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố xây dựng những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hiện, thành phố đã phê duyệt triển khai thực hiện 13 dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì. Trong lộ trình định hướng đến năm 2030, thành phố mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 22.000ha, trong đó, diện tích vùng nuôi trồng thủy sản tập trung là 11.473ha với năng suất bình quân đạt 23,7 tấn/ha, tốc độ tăng bình quân là 8,3%/năm. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố sẽ đạt 301.500 tấn với tốc độ tăng bình quân 8,7%/năm.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, theo định hướng, Sở sẽ chú trọng hỗ trợ áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ nuôi trồng thủy sản; phát triển các cơ sở sản giống trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt... Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành được 8 cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, cung cấp giống thủy sản cho các vùng nuôi… Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn thành phố tập trung phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đề xuất với các cấp, các ngành đầu tư, hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối thủy sản, nhất là ở những nơi tập trung các vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích tập trung quy mô lớn như: Ba Vì, Ứng Hòa... Đặc biệt, đầu tư hạ tầng cho các điểm tiêu thụ, sơ chế, chế biến thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị thương mại…


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t