Sẽ giải ngân dự án LIPSAP Hà Nội đến hết năm 2019 là hơn 109,8 tỷ đồng (12:53 06/10/2019)


HNP - Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm TP Hà Nội (LIPSAP Hà Nội) sử dụng vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án này được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Tại Hà Nội, dự án được phân ra thành các tiểu hợp phần do Sở NN&PTNT được giao là chủ đầu tư. Đối với tiểu hợp phần A1, khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong các vùng ưu tiên (GAHP), trong đó, có việc thúc đẩy việc nhân rộng áp dụng quy trình GAHP bền vững, Sở NN&PTNT đã xây dựng được 4 vùng GAHP ở 4 huyện có chăn nuôi phát triển, thuộc vùng bao của khu vực nội đô Hà Nội, gồm: Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai. Tại 4 huyện này phát triển GAHP tại 23 xã GAHP trọng tâm. Từ năm 2016 đến thời điểm hiện, tại tổng số hộ tham gia thực hiện quy trình GAHP được thiết lập trên phạm vi 23 xã thuộc 4 huyện vùng GAHP là 1.800 hộ với 90 nhóm GAHP.

Nhằm thúc đẩy hoạt động thí điểm mô hình sản xuất kinh doanh mới thông qua thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng GAHP, dự án trên đã thiết lập cơ chế hỗ trợ thông qua các đề xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tính đến nay, đã có 3 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác với 85 hộ thành viên tham gia được dự án hỗ trợ tư vấn các thủ tục thành lập, trong đó, bước đầu có một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, như: Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm ở huyện Quốc Oai, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Nam Phương Tiến ở huyện Chương Mỹ...Liên quan đến tiểu hợp phần A1, Sở NN&PTNT đã tiến hành hoạt động giám sát huyết thanh hằng năm theo quy định. Nhìn chung, kết quả giám sát huyết thanh tại các xã vùng GAHP đều cho kết quả tốt, hiệu giá kháng thể cao. Cùng với đó, Sở triển khai hoạt động quản lý chất thải, nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học tiếp tục được thực hiện thông qua việc hỗ trợ 11 công trình khí sinh học, nâng tổng số công trình hỗ trợ giai đoạn 2 lên 301 hộ chăn nuôi xây dựng hầm Biogas. Như vậy, tính lũy kế từ 2010 đến hết 2019, Hà Nội đã hỗ trợ 1.040 hộ chăn nuôi có biện pháp quản lý chất thải chăn nuôi (gồm cả HUP 115 hố và xây hầm Biogas 925 hầm).

Đối với tiểu hợp phần A3 (Nâng cấp các cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm) của dự án trên, từ năm 2016 đến 2019, có 6 cơ sở giết mổ công suất trung bình và lớn đề xuất dự án hỗ trợ nâng cấp và đã được Ngân hàng Thế giới không phản đối tài trợ. Ngoài ra, có 13 cơ sở giết mổ lợn quy mô từ 10 đến 30 con đã được dự án tài trợ cải thiện điều kiện vệ sinh thú y và môi trường. Các cơ sở giết mổ được nâng cấp đều vận hành hiệu quả theo đúng quy hoạch của thành phố, của địa phương và mục tiêu chung của dự án. Theo tính toán, từ năm 2016 đến hết năm 2019, có 14 khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ được nâng cấp, hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Lũy kế từ năm 2010 đến nay, đã có 40 chợ được đưa vào vận hành sử dụng.

Liên quan đến hợp phần C (Quản lý và giám sát dự án), bao gồm các nội dung chi: Hội nghị cải thiện chính sách cấp tỉnh; chi lương và phụ cấp quản lý dự án cho cán bộ ban quản lý và cán bộ hợp đồng; chi các hoạt động thường xuyên của ban... Kết quả giải ngân dự án đến hết 2018 là 106,99 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn IDA 99,94 tỷ đồng, nguồn ngân sách TP Hà Nội 7,05 tỷ đồng. Dự kiến, giải ngân đến hết 2019 của dự án trên là 109,813 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn IDA 99,87 tỷ đồng, nguồn ngân sách TP Hà Nội 9,943 tỷ đồng.

Theo đánh giá, dự án LIPSAP Hà Nội đã đạt được mục tiêu đề ra là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, nhằm giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gia súc gia cầm và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, chủ yếu là sản phẩm thịt ở các huyện tham gia dự án; tạo ra chuỗi sản phẩm sạch từ trang trại tới bàn ăn; đồng thời, dự án cũng là tiền đề để nhân rộng ra trên địa bàn TP Hà Nội.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t