Tích cực trong công tác phổ cập bơi cho trẻ em (15:27 29/09/2019)


HNP - Chương trình phổ cập bơi cho học sinh được thành phố Hà Nội triển khai từ năm 2018, đến nay, những kết quả bước đầu cho thấy đông đảo người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con em trong độ tuổi phổ cập bơi rất ủng hộ chủ trương này. Các gia đình đã tự giác đưa con em đến tham gia các lớp phổ cập bơi và chủ động tập luyện thêm cho các em, góp phần làm giảm tỉ lệ trẻ em chưa biết bơi trên địa thành phố.

Xác định công tác tuyên truyền là việc làm quan trọng trong phổ cập bơi cho học sinh, ngành Văn hóa và Thể thao đã tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Tổ chức các lớp sinh hoạt Hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em. Cùng với đó, ngành tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tuyên truyền trên đài truyền thanh, loa phát thanh, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu trong buổi khai mạc lớp phổ cập bơi trên địa bàn xã, phường, thị trấn, thôn, xóm; Hướng dẫn trẻ em, học sinh nâng cao y thức, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của hồ bơi, bến bãi khi tham gia các hoạt động tắm, bơi cần có sự giám sát của người lớn. Đồng thời, tuyên truyền tới các gia đình cần quan tâm, tạo điều kiện cho các em học bơi trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ và chú trọng giám sát các em khi học bơi.

Các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã xây dựng chương trình triển khai cụ thể về tuyên truyền, nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, thông qua nhiều hình thức như: Hệ thống Đài Truyền hình, truyền thanh từ bộ, thành phố đến quận, huyện, thị xã và các cơ sở như tiểu phẩm, sinh hoạt chuyên đề qua các buổi sinh hoạt của các hội đoàn thể, các trường tiểu học, trung học cơ sở... Tuyên truyền cho người dân, học sinh, đoàn viên, hội viên hiểu được về lợi ích của phổ cập bơi. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước nhằm mục đích tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và thấy được ý nghĩa quan trọng của chương trình phổ cập bơi.

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao cũng chú trọng mở lớp tập huấn hướng dẫn viên dạy bơi cơ bản, hướng dẫn viên cứu hộ cho đối tượng là các cán bộ, cộng tác viên, giáo viên thể thao thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong năm 2018, đã tập huấn được cho trên 300 học viên và cấp giấy chứng nhận cho 260 học viên, đạt 86%.

Cùng với chú trọng công tác phổ cập, ngành văn hóa và thể thao cũng quan tâm tổ chức giải bơi nhằm nâng cao kỹ năng cho các em học sinh. Trong đó, cấp thành phố, tháng 04/2019, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức thi đấu giải bơi học sinh thành phố Hà Nội năm học 2018-2019 cho 03 cấp học sinh tiểu học, THCS, THPT, đã thu hút được 17 đơn vị quận, huyện tham gia thi đấu với 250 vận động viên. Ban tổ chức đã trao 60 bộ huy chương cho các em học sinh tham gia thi đấu. Tháng 7/2019, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thi đấu giải bơi các lứa tuổi thành phố; Tham dự thi đấu có 266 VĐV của 17 đơn vị quận, huyện, kết quả, Ban tổ chức đã trao 43 bộ huy chương cho lứa tuổi học sinh và 40 bộ huy chương cho người cao tuổi. Ở cấp quận, huyện, có 12/30 đơn vị tổ chức giải bơi học sinh (Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh), đạt 40%. Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực tham gia thi đấu toàn quốc, trong đó, vào tháng 7/2019, Hà Nội đã đạt Huy chương Vàng trong giải bơi thanh thiếu niên, nhi đồng Toàn quốc “Đường đua xanh” với thành tích đạt 02 HCV, 09 HCB, 11 HCĐ và đứng thứ 3 toàn đoàn.

Với những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, công tác tổ chức, triển khai, giám sát các lớp phổ cập bơi được đảm bảo chặt chẽ, an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành văn hóa và thể thao đã phối hợp với đơn vị quận, huyện Mỹ Đức, Hoàng Mai, Quốc Oai, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây mở được 27 lớp bơi của thành phố, với tổng số học sinh 4.050 em biết bơi, đạt 100% và 1.854 lớp của 30 quận, huyện thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tự mở với tổng số 56.229 học sinh biết bơi, đặc biệt không xảy ra một trường hợp đuối nước nào, các lớp diễn ra an toàn tuyệt đối, trong đó, các quận, huyện Thường Tín, Thanh Trì, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân là những đơn vị tổ chức tốt chương trình phổ cập bơi cho trẻ em tại đơn vị. Qua đó, năm 2018, số lượng học sinh biết bơi là 28.500 em, đến năm 2019 tăng gấp đôi với 58.300 học sinh biết bơi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành văn hóa và thể thao, sự phối kết hợp các ngành ở cơ sở chưa đồng bộ như giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao chưa chặt chẽ trong công tác xây dựng kế hoạch chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại cơ sở; Một số đơn vị chưa chú trọng đến Chương trình phổ cập bơi, phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em như: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ... Một số các xã vùng sâu vẫn phải dựa vào điều kiện thiên nhiên, dạy bơi ở các dòng sông, ao hồ như huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức,...

Vì vậy, để công tác này hiệu quả hơn, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp cùng vào cuộc để tạo chương trình học bơi, dạy bơi thành phong trào rộng khắp. Các quận, huyện, thị xã giành một phần nguồn kinh phí để cho chương trình, tạo cơ chế thuận lợi cho các đơn vị cơ sở thực hiện chương trình, ưu tiên đầu tư bể bơi cố định, bể bơi di động để tổ chức chương trình tốt hơn.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t