Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang: Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận (15:28 29/09/2019)


HNP - Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang là một trong những nội dung được Thành phố Hà Nội quan tâm và tích cực triển khai. Những chuyển biến trong thực hiện việc tang văn minh thời gian qua đang góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Năm 2010, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Trong đó, Thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (đối với khu vực ngoại thành), 0,5 triệu đồng (khu vực nội thành). Ngoài ra, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội tại các Trung tâm nuôi dưỡng tập trung và người lang thang vô gia cư mất trên địa bàn Thành phố còn được hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, quản lý lưu giữ bình tro. 
 
Chính sách của Thành phố được người dân đồng tình ủng hộ. Nhiều gia đình có người thân qua đời đã lựa chọn hình thức hỏa táng văn minh, tiến bộ thay thế hình thức hung táng lạc hậu, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, lãng phí đất. Sau khi thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng, tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng trong tang lễ đã tăng dần qua các năm, từ 18,5% năm 2010, lên 46,28% năm 2015 và 60% hiện nay (gấp 2 lần so với Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng ban hành theo Quyết định số 2282/QĐ-TTg của Chính phủ). Dự kiến, giai đoạn 2020 - 2025, tỷ lệ hỏa táng của Thành phố đạt khoảng 65%. 
 
Ngoài chính sách hỗ trợ của Thành phố, một số địa phương (cấp huyện, xã) đã hỗ trợ thêm từ 1 đến 5 triệu đồng/ca hỏa táng, điển hình như các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm,Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh; các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, thị xã Sơn Tây… Bên cạnh đó, cán bộ mặt trận từ huyện đến các xã, thị trấn còn tập trung tuyên truyền, vận động ở 4 nội dung chính: Không làm cỗ mời khách trong ngày tang, cúng tuần, 49 ngày, 100 ngày; xóa bỏ các hủ tục trong đám tang; quy hoạch nghĩa trang; vận động đưa người qua đời đi hỏa táng. 
 
Nhờ đó, tỷ lệ hỏa táng của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây liên tục tăng. Các quận đã đạt tỷ lệ từ 70% đến trên 90%, điển hình: Tây Hồ đạt 97,82%; Long Biên đạt 89,46%; Đống Đa đạt 85,3%... Trong đó, Đông Anh là địa phương tiêu biểu trong thực hiện tang văn minh với tỷ lệ hỏa táng đạt 79,8%, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ. Hay tại huyện Mê Linh, công tác tuyên truyền thực hiện tang văn minh, tiến bộ cũng được chú trọng, qua đó, đã tạo nhiều chuyển biến trên thực tế. Tỷ lệ hỏa táng của huyện Mê Linh năm 2018 đạt 52,1% - tăng 20,1% so với năm 2016.
 
Tuy nhiên, trước năm 2016, việc chi trả tiền hỗ trợ hỏa táng của Thành phố cho người dân có một số hạn chế như: Người dân phải lập hồ sơ đề nghị thanh toán tiền hỗ trợ hỏa táng gửi UBND xã, phường, thị trấn; sau đó UBND các quận, huyện giao phòng chuyên môn kiểm tra, rà soát, tổng hợp, báo cáo làm căn cứ để thanh toán. Do đó người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian từ 1 đến 2 tháng mới nhận được kinh phí hỗ trợ hỏa táng, tạo tâm lý không tốt với chính sách của Thành phố. Trong khi đó, UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn (đơn vị chi trả trợ cấp hỗ trợ hỏa táng) bị động trong công tác xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ hỏa táng. Việc bố trí ngân sách hàng năm phức tạp, qua nhiều cấp, nhiều ngành, công tác tổng hợp báo cáo chưa kịp thời và đầy đủ...
 
Để giải quyết những bất cập trên, tháng 4/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng theo phương thức bù trừ trực tiếp. Theo đó, Thành phố giao Ban phục vụ lễ tang Hà Nội làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ hỏa táng cho người dân ngay khi ký hợp đồng hỏa táng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ khuyến khích hỏa táng theo phương thức bù trừ trực tiếp đã tạo điền kiện tốt nhất cho người dân khi làm thủ tục hỏa táng cho người thân vì không mất thời gian đi lại nhiều lần. Quy trình thực hiện rõ ràng, chỉ còn 1 đầu mối quản lý và thanh toán kinh phí hỗ trợ hỏa táng là Ban phục vụ lễ tang Thành phố. 
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán, bù trừ trực tiếp cho người dân giúp giảm bớt chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian và kinh phí. Theo tổng hợp của Sở Thông tin vàTruyền thông, việc người dân sử dụng phần mềm hỏa táng, dịch vụ công trực tuyến khai tử (từ 01/9/2016 đến 30/6/2019) là 40.811 hồ sơ, tiết kiệm cho người dân gần 5 tỷ đồng.
 
Việc thực hiện nếp sống tang văn minh đã thu hút mối quan tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội. Đó là phần việc không chỉ liên quan tới mục tiêu xây dựng nếp sống, lối sống văn minh, mà còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t