Lan tỏa sâu rộng hai bộ quy tắc ứng xử trong đời sống (13:59 24/09/2019)


HNP - Sau hơn hai năm ban hành, hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công sở của Thành phố đã được CB, CC, VC, các tập thể, cá nhân và nhân dân quan tâm hưởng ứng tích cực. Bước đầu đã dần hình thành những chuẩn mực văn hóa, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, Thủ đô.

100% cơ quan, đơn vị triển khai

Ngay từ khi bộ Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động nơi công sở được ban hành, thành phố đã yêu cầu thực hiện niêm yết toàn văn nội dung quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời phổ biến quán triệt nội dung quy tắc ứng xử trong họp chuyên môn và họp chi bộ. Nghiêm túc, kịp thời nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh các CB, CC vi phạm.

Các cơ quan thuộc Thành phố đã vào cuộc triển khai nghiêm túc và có nhiều hình thức sáng tạo để bộ quy tắc ứng xử lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan đơn vị như: Đoàn TN CSHCM quận Ba Đình tổ chức hội thi “Nét đẹp công sở”, UBND huyện Đông Anh tổ chức thi “Cán bộ, công chức văn minh thanh lịch”, Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động,… qua đó lan tỏa nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử.

Để quy tắc ứng xử được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, lâu dài, các đơn vị đã bổ sung vào quy chế làm việc; đưa quy tắc ứng xử vào nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ của phòng, ban. CB, CC, VC người lao động trong các cơ quan ý thức hơn việc chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, không sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng trong giờ làm việc, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện chấm công bằng vân tay, không sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng, đeo thẻ trong quá trình thực thi công vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được Thành phố giao; xử lý văn bản và hồ sơ công việc khoa học, kịp thời, xử lý văn bản khép kín trên phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp của cơ quan, đơn vị.

Song song với nội dung triển khai quy tắc, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra công vụ và công tác giải quyết thủ tục hành chính gắn với thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan; giao cho phòng, ban theo dõi việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, cơ quan, đơn vị mình, nổi bật như: Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên Mội trường, quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm...

Lan tỏa trong cộng đồng

Tùy theo từng đối tượng điều chỉnh trong quy tắc ứng xử nơi công cộng, các cơ quan, địa phương đã niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn làng, tổ dân phố, các điểm di tích theo mẫu thống nhất toàn thành phố. 30/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành khảo sát, lắp đặt khung treo tuyên truyền quy tắc tại các điểm công cộng trên địa bàn, đồng thời in ấn cấp phát tờ tuyên truyền đến từng hộ gia đình, niêm yết tại các bảng tin trong khu dân cư, các điểm vui chơi, di tích...

Một số quận, huyện đã tiến hành bổ sung quy định “nên làm”, “không nên làm” vào hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố phù hợp với các quy định của địa phương. Bổ sung tiêu chí thực hiện quy tắc ứng xử vào bình xét các danh hiệu văn hóa. Tại các điểm di tích thường xuyên nhắc nhở về trang phục, lễ nghi, đặt lễ... khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng cho du khách mượn áo choàng miễn phí khi hành lễ, lồng ghép các nội dung tuyên truyền quy tắc ứng xử trong các dịp lễ hội, lồng ghép các nội dung quy tắc ứng xử vào bài thuyết minh tại các điểm du lịch, bổ sung nội dung quy tắc ứng xử vào nội quy bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa. Tại các khu chung cư, khu tập thể, treo bảng nội dung quy tắc ứng xử tại các khu chung cư có sân, điểm vui chơi; in ấn, dán các nội dung phù hợp tại nhà sinh hoạt cộng đồng, thang máy, thang bộ (đối với khu tập thể).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn đề ra nhiều mô hình với cách làm sáng tạo mới để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở như: Tại quận Thanh Xuân, mô hình “Tổ dân phố 5 không” với từ 1 đến 2 điểm sáng đầu tiên, đến nay đã được nhân rộng ở cả 11/11 phường; Phường Việt Hưng (quận Long Biên), có 7/15 tổ dân phố đang triển khai thực hiện các mô hình: Mái nhà xanh 3.1; đường hoa tự quản, xóa điểm chân rác; thu gom phế liệu gây quỹ nhân đạo; đổi rác, phế liệu lấy cây xanh,...

Để hai bộ quy tắc ứng xử tiếp tục đi vào đời sống một cách thiết thực, thành phố Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Tập trung công tác tuyên truyền tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, đẩy mạnh truyền thông bằng những câu chuyện về giá trị sống, tôn trọng, trách nhiệm. Tiếp tục triển khai xây dựng 10 mô hình tuyên truyền QTƯX hướng dẫn các cơ quan thuộc thành phố và các quận, huyện, phường xã, khu chung cư, bến xe, nhà ga, bệnh viện, trường học... thực hiện.

Đồng thời, tăng cường phát hiện biểu dương và viết về các gương điển hình tiên tiến thực hiện tốt QTƯX. Thực hiện chấm điểm hàng tháng đối với cán bộ công chức trong đó có nội dung chấm điểm thực hiện QTQX. Thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện QTƯX trong các cơ quan thuộc thành phố; các quận, huyện, thị xã, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Cùng với đó, chú trọng lồng ghép nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử vào nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; sửa đổi quy ước, hương ước có bổ sung các nội dung quy tắc ứng xử. Bồi dưỡng đội ngũ CB, CC có khả năng thuyết trình làm báo cáo viên tuyên truyền nội dung các Quy tắc ứng xử,...


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t