Khoảng 81,08% lao động tại các làng nghề ở Hà Nội đã qua đào tạo (09:50 17/09/2019)


HNP - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình lao động và thu nhập của người lao động trong các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Sở Công Thương, việc duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề của Hà Nội ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, trong việc thu hút và tạo việc làm cho lao động khu vực ngoại thành. Kết quả khảo sát cho thấy, lao động thường xuyên của các cơ sở sản xuất có thể dao động từ 2 - 60 người; đặc biệt những cơ sở sản xuất dệt may, mây tre đan... thường có số nhân công lao động lớn (số lao động không thường xuyên có thể lên đến 40 người).
Đáng chú ý, trình độ lao động về cơ bản đã qua đào tạo tại các làng nghề của Hà Nội chiếm tỷ lệ khoảng 81,08% số lao động; còn số lao động chưa qua đào tạo khoảng 18,92% số lao động. Tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 55% số lao động và đặc biệt là ở một số lĩnh vực về dệt may, số lao động nữ chiếm đa số lên đến trên 80% lao động.

Quy mô sử dụng lao động của hộ gia đình ở các làng nghề thường từ 5 - 10 lao động (kế cả lao động của gia đình). Khi thực hiện các hợp đồng gia công nhiều sản phẩm trong một thời gian có hạn, các hộ gia đình cũng có thể thuê mướn từ 15 - 30 lao động thời vụ. Các doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào thời vụ, giá trị hợp đồng ký kết, từng loại sản phẩm, khả năng nguồn nguyên liệu và thời gian thực hiện.

Thống kê của Sở Công Thương, đa số lao động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố chủ yếu là lao động trẻ tập trung từ 18 - 50 tuổi (chiếm gần 80%), là lứa tuổi vẫn còn sức khỏe tốt, chỉ có gần 14% số lao động tham gia sản xuất có độ tuổi trên 50 tuổi. Hầu hết người lao động tại làng nghề đều có nhu cầu tham gia và gắn bó với nghề, chiếm 68,43%. Điều này chứng tỏ các làng nghề đã thu hút được một lực lượng đông đảo người dân trong làng nghề tham gia thay vì chỉ có một bộ phận dân cư.

Về thu nhập của người lao động, theo Sở Công Thương, bên cạnh việc tạo việc làm, các làng nghề cũng góp phần nhất định làm tăng thu nhập cho người dân. Trên thực tế, tại các địa phương có nghề, đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đời sống của các hộ gia đình làm nghề cao hơn nhiều so với các địa phương và các hộ thuần nông khác. Ngay tại các làng nghề, mức thu nhập của các lao động cũng có nhiều sự khác biệt. Khảo sát người lao động tại các làng nghề cho thấy, hiện tại lao động tại các làng nghề có thu nhập bình quân/tháng phổ biến từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc tạo ra mức thu nhập cao của các lao động có tay nghề, đời sống xã hội của các làng nghề cũng cao hơn hẳn so với các làng thuần nông. Các làng nghề đã giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở các vùng nông thôn ngoại thành là ổn định việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. Vì thế tình hình an ninh, chính trị tại các làng nghề cũng ổn định hơn nhiều so với các làng khác.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t