Hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (20:25 12/09/2019)


HNP - Chiều 12/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp.

Các đại biểu tham gia dự hội thảo


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, trong thời gian qua ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê,...
 
Riêng đối với chuỗi liên kết ở ngành chăn nuôi, hiện nay đã có 56 chuỗi có nguồn gốc động vật. Các chuỗi chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín, do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả như: Chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sữa Vinh Nga,...
 
Riêng mô hình chuỗi liên kết của các tổ chức nông dân, HTX tại các vùng chăn nuôi tập trung, ở các xã chăn nuôi trọng điểm đến nay thành phố có số mô hình hoạt động có hiệu quả như: Chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai, chuỗi sữa IDP...
 
Để hình thành các chuỗi liên kết, thành phố đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật, qụản lý chất lượng, an toàn thực phẩm... cho các đối tượng tham gia chuỗi, hỗ trợ xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thí điểm một số chuỗi cáp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR. Việc hỗ trợ này đã giúp các chuỗi minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm... 
 
Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết, hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện (Giấy chứng nhận ATTP đối với cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế đóng gói, kinh doanh, bản tự công bố cho các sản phẩm của các chuỗi...). 
 
Phòng Kinh tế các huyện ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp
 
Kết quả cho thấy đã có trên 20 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Có 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” (Gà đồi Ba Vì, Gà Mía Sơn Tây, Gà đồi Sóc Sơn, Vịt Vân Đình và Trứng vịt Liên Châu). Hàng ngày các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò; 282 nghìn quả trứng, 78 tấn sữa...
 
Đối với công tác xây dựng phát triển chuỗi có nguồn gốc thực vật, ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động xây dựng và phát triển được 79 chuỗi có nguồn gốc thực vật bao gồm: Các chuỗi gạo, chè, rau an toàn, chuỗi trái cây. Một số chuỗi thực vật cho hiệu quả như Cam đường Kim An, Bưởi Quế Dương, Bưởi Phúc Thọ, Bưởi Chương Mỹ, Chuối Vân Nam, Chuối Cổ Bi, Phật thủ Đắc Sở, Bưởi thồ Bạch Hạ, Gạo thơm Bối Khê, Chè Bắc Sơn, gạo bồ nâu Thanh Văn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. 
 
Trong đó, triển khai 35 mô hình chuỗi rau ATTP áp dụng Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS: Participatoiy Guarantee System) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ tại 35 xã, phường, thị trân thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.655,4ha, trong đó 14 xã, phường có diện tích từ 50ha trở lên, 21 xã phường có diện tích dưới 50ha.
 
Tại hội nghị, các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và các hội viên nông dân trực tiếp sản xuất đã trao đổi các thông tin về kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm cũng như ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Theo đó một số đại biểu cho rằng việc liên kết gặp khó khăn do sản xuất của bà con nông dân còn manh mún, không ứng dụng khoa học công nghệ dẫn đến sản phẩm nông sản không đảm bảo về số lượng và chất lượng sản phẩm. 
 
Một số doanh nghiệp đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kết nối cho doanh nghiệp, bằng những việc làm những mô hình nhỏ sau đó đến các mô hình sản xuất lớn. Ngoài ra thành phố cần có các điểm trưng bày nông sản tập trung tiêu biểu của thành phố để giúp doanh nghiệp kết nối với nhau.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t