Chung tay gìn giữ nét truyền thống của Tết Trung thu (09:46 13/09/2019)


HNP - Những năm gần đây, đã thành thông lệ, cứ đến dịp Trung thu, thiếu nhi Thủ đô lại có cơ hội trải nghiệm với những trò chơi dân gian truyền thống, được tìm về với di sản, giúp các em thêm yêu mến, gắn bó với lịch sử, văn hóa Thủ đô.

Tết Trung thu năm 2019, nhiều địa điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tổ chức những sự kiện vui Trung thu dành cho các em, với những đồ chơi, trò chơi dân gian hấp dẫn. Trong đó phải kể đến các hoạt động trải nghiệm đã giúp các em hiểu và gắn bó hơn với Tết Trung thu truyền thống. 
 
Cũng như mọi năm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu năm 2019 tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội. Tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc, một không gian Tết Trung thu được đông đảo thiếu nhi hưởng ứng tham gia, các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, tò he… Trong không gian ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban tổ chức giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình người Hà Nội; giới thiệu bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ XX. Ngoài Đình Kim Ngân, ngôi nhà di sản Mã Mây, không khí Trung thu cũng được tái hiện tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.
 
Riêng không gian phố bích họa Phừng Hưng với những bức tranh 3D sống động về Hà Nội, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội còn sắp đặt các gian hàng giới thiệu đồ chơi cùng với sự tham gia của các nghệ nhân và thợ thủ công ở các làng nghề nổi tiếng. Cụ thể, khu vực Đèn Ông sao, Ông Tiến sĩ, Ông đánh gậy với thợ thủ công xã Vân Canh, Hoài Đức; khu vực Đèn kéo quân với các nghệ nhân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; khu vực Tàu thủy bằng sắt tây với thợ thủ công phường Khương Đình, Thanh Xuân; Lẵng con giống bằng Bông - phố Hàng Lược… Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức còn mời các nghệ nhân ở các vùng lân cận như thợ thủ công làng Hảo, Yên Mỹ, Hưng Yên với sản phẩm Mặt nạ giấy bồi; nghệ nhân làng Song Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh với sản phẩm Tò he đất… Các nghệ nhân và thợ thủ công đến với chương trình đã tận tình hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cho các em nhỏ và người dân, du khách. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn biểu diễn một số các trống Đọi Tam, rối cạn Tế Tiêu, biểu diễn hát trống quân và các tiết mục văn nghệ dân gian phục vụ thiếu nhi.
 
Không gian phố bích họa Phùng Hưng thu hút nhiều em nhỏ và các vị phụ huynh dịp Trung thu
 
Dịp này, một số điểm tại tuyến phố đi bộ khu Phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng diễn ra các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại phục vụ thiếu nhi: Đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, ngã 3 Lương Ngọc Quyến - Hàng Giày, đền Hương Tượng - 64 Mã Mây, ngã 5 Đông Thái - Mã Mây - Hàng Buồm - Đào Duy Từ…
 
Cùng với các hoạt động phong phú tại không gian phố cổ, từ nhiều năm nay, Hoàng Thành Thăng Long cũng đã trở thành một “địa chỉ vàng” mỗi dịp Trung Thu. Chương trình Vui Tết Trung thu năm nay tại Hoàng Thành Thăng Long hướng vào chủ đề “Trống hội trăng thu” với mong muốn tái hiện những hình ảnh, âm thanh tươi mới, rộn rã, của Tết trung thu truyền thống. Đặc biệt là hình ảnh những chiếc trống hội đủ kích thước, màu sắc được trưng bày, sắp đặt, gợi nhớ không gian hội hè, lễ tết rất quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam.
 
Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và dân gian Việt Nam không thể thiếu tiếng trống bổng trầm, vang vọng, thân thuộc. Vào dịp Trung thu, mọi người cùng ngắm trăng thưởng nguyệt, vui chơi, rước đèn, phá cỗ trong tiếng trống rộn ràng của múa lân, múa sư tử; đối đáp giao lưu qua những màn hát trống quân. Lối hát giao duyên độc đáo của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ này cũng được các nghệ nhân trình diễn tại Hoàng thành Thăng Long.
 
Đến với chương trình Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long năm nay, các em nhỏ được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú như: Xem biểu diễn múa sư tử, hát trống quân; chụp ảnh, check in tại không gian trang trí ngoài trời đẹp mắt với trống và đèn sao; trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như Tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tượng, tô tranh, ghép tranh, nặn tò he; tham gia các trò chơi dân gian như bập bênh, cầu trượt, leo núi tam giác, cầu tre… 
 
Các em thiếu nhi trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu tại Hoàng Thành Thăng Long
 
Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giáo dục di sản. Và trong dịp Trung thu, ngoài chương trình trải nghiệm chung, các em học sinh còn được tham quan, học tập: Trưng bày “Trống hội trăng thu”, chuyên đề giáo dục “Kể chuyện các bậc Vua sáng tôi hiền qua tích truyện tết Trung thu tại cung đình Thăng Long xưa”; Trải nghiệm và tương tác làm bánh Trung thu; Chợ tết Trung thu như: Mua sắm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, trống bỏi, trống ếch, tò he và các trò chơi dân gian.
 
Trong không gian của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Làng nghề Việt tại 252B Âu Cơ, quận Tây Hồ, một không gian đậm chất văn hóa truyền thống được tái hiện trong chương trình có tên “Trung thu của cha”. Đó là khung cảnh tái hiện một gia đình Hà Nội xưa đón Trung thu, với những đồ chơi, mâm cỗ “trông trăng”… Điều đặc biệt, trong hoạt các hoạt động trưng bày, Ban tổ chức đã phối hợp nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Hậu tái hiện lại toàn bộ không gian đón Trung thu ở làng quê xưa bằng các quân tò he. Từ ngôi nhà, cho đến màn múa lân, các cô bé, cậu bé vui đùa, mâm cỗ… đều được nặn bằng bột gạo…
 
Có thể nói, các hoạt động văn hóa kể trên sẽ đem tới cho các em nhỏ một sân chơi lành mạnh, nhiều ý nghĩa. Qua đó, để các em có cơ hội tương tác, tìm hiểu về các giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua việc tham gia các trò chơi dân gian thú vị và học cách làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Tết Trung thu truyền thống tại không gian phố cổ, phố bích họa Phùng Hưng đã khẳng định quyết tâm của quận Hoàn Kiếm trong việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị của quận nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.
 
Các hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống với mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội và Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động cũng nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công, những người đã hết lòng với nghề truyền thống gia đình và các làng nghề. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t