Hà Nội: Hình thành 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (09:47 06/09/2019)


HNP - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát kết quả phát triển lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố từ năm 2014 đến nay.

Theo đó, thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản, toàn thành phố đã chuyển đổi 4.200ha ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái (56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín), năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha/năm, cao gấp 2 lần so với nuôi quảng canh, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố là 21.000ha, sản lượng 93.623 tấn, tăng 28,56% so với năm 2013. Trên địa bàn thành phố còn có 1 trung tâm và 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản, sản xuất đạt trên 1,5 tỷ con cá bột và 500 triệu con cá giống, đáp ứng nhu cầu giống cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội và cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố cả nước.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 518,6ha mô hình nuôi thâm canh cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chiếm 5% diện tích có khả năng nuôi thâm canh là 9.634ha. Trong đó: 502ha nuôi cá thâm canh cá truyền thống tại vùng nuôi thủy sản tập trung tại các huyện Phú Xuyên (83ha), Ứng Hòa (185ha), Ba Vì (144 ha), Mỹ Đức (40ha), Chương Mỹ (35ha), Thanh Oai (17ha), Thanh Trì (3ha), Thường Tín (5ha), còn lại là các mô hình nuôi các đối tượng đặc sản cá trắm đen, trắm giòn, chép giòn; đồng thời, có 10 lồng (tổng thể tích 1.080m3) nuôi cá trắm đen, diêu hồng, chép giòn theo phương thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, các mô hình nuôi thâm canh đã nâng cao được năng suất, sản lượng của các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn thành phố. Trước khi thực hiện mô hình, các hộ nuôi chủ yếu chăn nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, có một số ít hộ nuôi bán thâm canh. Đa số người nuôi sử dụng thức ăn tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, như: Cám gạo, cám ngô, khoai, sắn...

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm: Hiện nay, trên các diện tích xây dựng mô hình năng suất đạt từ 10 đến 12 tấn/ha/vụ, qua đó, đã khuyến khích nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất cũ lạc hậu sang chăn nuôi thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao. Chính vì vậy, diện tích nuôi thâm canh ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được mở rộng, năm 2009 diện tích này chỉ là 5%, đến nay, đã đạt khoảng 20%. Giá trị sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích cũng được tăng lên rõ rệt, trước đây 1ha nuôi cá truyền thống chỉ cho thu hoạch từ 100-150 triệu đồng, nay giá trị thu hoạch đã tăng gấp hơn 2 lần từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t