Hà Nội phát huy chăn nuôi hiệu quả, bền vững (20:28 07/09/2019)


HNP - Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó, có lĩnh vực chăn nuôi. Mục tiêu của thành phố là hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, đâu là lý do giúp ngành chăn nuôi Hà Nội có bước phát triển mạnh mẽ?

PGĐ Sở Nguyễn Huy Đăng: Trước đây, chăn nuôi của Hà Nội chủ yếu phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Để chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa, Hà Nội đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi mang tính đột phá, trong đó, phải kể đến việc phê duyệt chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư, phát triển chăn nuôi sinh học, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thành phố đã hình thành và phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 4.294 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung khép kín và ứng dụng công nghệ cao…

Cùng với đó, thành phố tập trung cho phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ; đến nay đã có gần 100 trang trại, doanh nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh, thức ăn sinh học trong khẩu phần thức ăn. Hằng năm cung cấp cho thị trường trên 2.000 tấn thịt lợn sinh học. Trong đó, một số mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng sinh học hiệu quả, như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai: Do Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm tổ chức với quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt 400 con lợn thương phẩm, thức ăn nuôi sử dụng trong chuỗi 100% là thức ăn tự phối trộn có bổ sung men sinh học. Hằng ngày, chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm. Chuỗi thịt sản xuất và cung cấp thực phẩm A-Z do Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) tổ chức khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, hằng ngày chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn (trong đó, khoảng 900kg thịt lợn là các sản phẩm đã được giết mổ, đóng gói và các sản phẩm đã qua chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Thực phẩm AZ”…

PV: Một trong những yếu tố quyết định hiệu quả phát triển của ngành chăn nuôi là chất lượng con giống, vậy ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tìm được hướng đi nào, thưa ông?

PGĐ Sở Nguyễn Huy Đăng: Đúng vậy, chẳng hạn như con giống gia cầm có thể quyết định tới 40-50% hiệu quả chăn nuôi. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố, có những bước đột phá để cải tiến, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 66 cơ sở sản xuất giống vật nuôi (trong đó 35 cơ sở sản xuất giống lợn, 16 cơ sở sản xuất giống gà, 12 cơ sở sản xuất giống vịt, 1 cơ sở sản xuất tinh bò, 1 cơ sở sản xuất giống dê, thỏ và 1 cơ sở sản xuất cả giống gà, lợn). Công suất sản phẩm đạt: Trên 50.000 con bê, bò giống/năm; 250.000 con lợn giống/năm; 70 triệu gà giống/năm và trên 10 triệu vịt giống/năm. Hà Nội luôn chủ động sản xuất con giống chất lượng cao, điển hình là công tác thụ tinh nhân tạo đã được ứng dụng vào trong tất cả các giống vật nuôi từ bò, lợn và gà.

PV: Thưa ông, áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao là rất quan trọng, điều đó không chỉ với riêng khâu con giống. Và đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng đối với việc phát triển chăn nuôi hiện nay là liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm?

PGĐ Sở Nguyễn Huy Đăng: Xác định rõ tính ưu việt trong phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2015, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5818/QĐ-UBND về triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở 11 mô hình chuỗi thực hiện theo dự án, đến nay, đã xây dựng, phát triển được 23 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện, cơ bản các chuỗi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, đã có 7 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó, có 4 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” (Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn và vịt Vân Đình). Việc phát triển nhãn hiệu có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu, đồng thời, đây cũng là cơ hội để người dân địa phương nâng cao giá trị kinh tế.

PV: Trong sản xuất nông nghiệp, lo "đầu ra" cho sản phẩm được đánh giá là một những giải pháp rất thiết thực, hiệu quả. Vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội quan tâm tới vấn đề này thế nào thưa ông?

PGĐ Sở Nguyễn Huy Đăng: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương, thành phố, các huyện, thị xã để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho trên 2.100 hộ chăn nuôi tại các xã chăn nuôi trọng điểm, trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn thành phố. Thông qua các lớp tập huấn người chăn nuôi nắm được kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới về con giống, quy trình chăn nuôi, chế phẩm sử dụng trong chăn nuôi...; đồng thời nắm bắt được định hướng phát triển chăn nuôi và các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của thành phố và Trung ương; đặc biệt là định hướng phát triển chăn nuôi hướng với xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đi tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước về lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, Sở đã tổ chức nhiều đoàn tham quan thực tế mô hình chuỗi. Qua đó, người tiêu dùng được trực tiếp tham quan quy trình chăn nuôi, quy trình sản xuất ra sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông, thử nếm các sản phẩm. Đến nay, các chuỗi đã chủ động kết nối, tự tổ chức cho người tiêu dùng chuỗi đến tham quan chuỗi và thử sản phẩm của mình, từ đó, giúp tăng doanh thu bán hàng cho các chuỗi tăng từ 5-10%...

Trân trọng cảm ơn ông!


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t