Hiệu quả từ việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (10:25 03/09/2019)


HNP - Từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành, Thành phố đã kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Theo đó, các ban ngành, đoàn thể Thành phố và nhất là các đơn vị quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền
 
Trong 10 năm qua (2008-2018), các quận, huyện, thị xã và cơ sở đã tổ chức tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung là chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tác hại của bạo lực gia đình; pháp luật về hôn nhân và gia đình; kỹ năng xứng xử và xây dựng gia đình văn hóa, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình kỹ năng hòa giải và xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình… Cụ thể, có 1.380 cuộc do cấp huyện tổ chức với 256.358 lượt người tham dự; 30.125 cuộc cấp xã tổ chức với 1.955.000 lượt người tham dự; cổ động trực quan với 10.850 tấm băng rôn, 3.425 tấm pa nô, 2.368 tấm áp phích, 1.500 lượt phát thanh lưu động, 12.250 lượt phát thanh cố định, 280.262 quyển tài liệu và 60 đĩa CD, 780.082 tờ rơi, 95.860 bản tin, tờ tin, bài viết.
 
Có thể thấy, so với những năm trước đây, hiện nay, công tác tuyên truyền được tổ chức bài bản và đa dạng hơn. Điển hình như phân loại các nhóm đối tượng đặc thù (nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn, nhóm hộ gia đình lưu trú trong các nhà trọ, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất); cải tiến các hình thức tuyên truyền một cách phù hợp như: Tổ chức nghe tuyên truyền pháp luật có trình chiếu thông tin, phim, ảnh minh họa; tổ chức Phiên tòa giả định; ứng dụng CNTT. Hiện đại hóa trang thiết bị truyền thông để làm phong phú hơn các hình thức tuyên truyền như: Qua bảng tin điện tử, màn hình Led, ti vi đặt ở quầy tiếp dân… 
 
Công tác tuyên truyền triển khai có hiệu quả, làm thay đổi nhận thức xem bạo lực gia đình là việc riêng tư của mỗi gia đình, tâm lý xấu hổ… Do đó, số vụ bạo lực gia đình được phát hiện sớm từ giai đoạn xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình tiếp cận, hòa giải, tư vấn ở cơ sở ngày càng nhiều hơn, góp phần làm giảm thiểu số vụ bạo lực gia đình qua các năm.
 
Khó khăn về nguồn lực đầu tư
 
Mặc dù công tác tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều đổi mới, nhưng thực trạng nguồn lực đầu tư triển khai thi hành Luật vẫn gặp khá nhiều trở ngại. Đến nay, bộ máy nhân sự làm công tác gia đình từ Thành phố tới cơ sở đang được kiện toàn ổn định. Hầu hết các cán bộ đều có trình độ Đại học chuyên ngành phù hợp, đáp ứng kịp thời trong việc chỉ đạo, triển khai và tham mưu thực hiện các nội dung đối với công tác quản lý nhà nước về gia đình từ thành phố và quận, huyện, thị xã. 
 
Song, lực lượng cán bộ công tác làm công tác gia đình trên địa bàn Thành phố mỏng, cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn cùng một lúc đảm nhiệm một khối lượng lớn nhiệm vụ, trong khi lương thấp. Việc thường xuyên thay đổi cán bộ phụ trách công tác gia đình phần nào đã làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.
 
Khó khăn chung về nhân sự ở các cấp phải kể đến hạn chế về số lượng so với khối lượng nhiệm vụ công tác phải thực hiện, tình trạng kiêm nhiệm nhiều công việc và biến động cán bộ cấp phường, xã, thị trấn diễn ra thường xuyên. Thêm vào đó, Thành phố hay các địa phương chưa có trường lớp đào tạo chuyên ngành công tác về gia đình. Chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách văn hóa thông tin - thể dục thể thao và gia đình ở phường, xã, thị trấn chưa thực sự động viên đội ngũ cán bộ. Các lực lượng quần chúng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không có chế độ bồi dưỡng…
 
Mặt khác, kinh phí phân bổ cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố còn hạn chế, chưa tương xứng với các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô. 
 
Nhiều giải pháp đẩy mạnh triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình
 
Từ những khó khăn trong quá trình triển khai, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo sâu sát, kịp thời đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đưa các nội dung của công tác vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến; thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình…
 
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2011-2020. Nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, xây dựng đường dây tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trên địa bàn Toàn thành phố. Tư vấn, hỗ trợ về pháp lý và sức khoẻ cho nạn nhân bạo lực và người có hành vi bạo lực trong gia đình nhằm tăng cường hiệu quả công tác trên tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền thông thay đổi nhận thức, tăng cường chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t