Hỗ trợ nuôi bò sinh sản hướng giảm nghèo cho bà con các huyện ngoại thành (10:55 21/08/2019)


HNP - Từ nguồn lực của mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ cho hộ nghèo từ năm 2017 đến nay, các huyện được hỗ trợ 250 con bò nái sinh sản. Sau 2 năm, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân nông thôn và miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế gia đình.

Cấp bò giống cho mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2019 - 2020 tại huyện Mỹ Đức


Mô hình chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo tại các xã dân tộc miền núi, các hộ có điều kiện chăn nuôi bò sinh sản tại các xã chăn nuôi bò trọng điểm theo quy hoạch. Việc triển khai mô hình đã góp phần tận dụng lao động nông nhàn ở địa phương gắn với việc chăn nuôi tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp. Từ đó, giúp các hộ nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, tiến tới giảm nghèo bền vững.
 
Theo chính sách hỗ trợ của thành phố, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% con giống và 50% thức ăn tinh giai đoạn bò cái chửa lứa đầu. Đến năm 2019, thực hiện theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/5/2018, các hộ nghèo miền núi được hỗ trợ 70% con giống và 70% thức ăn tinh giai đoạn bò chửa lứa đầu. Ngoài ra, 100% các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và biện pháp phòng chống dịch bệnh cho bò sinh sản.
 
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2018, có quy mô 90 con, hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương này theo dõi nhằm đánh giá hiệu quả triển khai mô hình. Hiện tại, bò sinh sản được 50 con bê, hàng chục bò cái khác đang tiếp tục sinh sản. Bê cái các hộ giữ lại nuôi sinh sản, bê đực các hộ bán giá dao động từ 7-12 triệu đồng/con… mô hình đã giúp tạo nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.
 
Đối với mô hình chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018 - 2019, có quy mô 80 con với 80 hộ tham gia, hỗ trợ hộ chăn nuôi tại 4 huyện gồm: Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, mỗi huyện 20 con. Đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống 98,7%. 
 
Riêng mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo miền núi (2019 - 2020), có quy mô 80 con với số 80 hộ tham gia, trong đó, huyện Mỹ Đức được hỗ trợ 27 con, Thạch Thất 23 con, Ba Vì 30 con... Mô hình này bước đầu đã phát huy được hiệu quả kinh tế cho bà con là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi.
 
Nói đến mô hình chăn nuôi này, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Mạnh Ngự đánh giá: Mô hình nuôi bò sinh sản cho các xã miền núi đã phát huy được hiệu quả kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc. Từ khi bàn giao con giống cho các hộ đến nay bò sinh trưởng tốt; ngoài việc hỗ trợ của mô hình ra các hộ còn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các đơn vị trên địa bàn huyện Mỹ Đức thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, các hộ được nhận bò đều nhiệt tình chăm sóc, nuôi dưỡng nên bê con đẻ ra rất khỏe mạnh và tăng trọng nhanh.
 
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi bò sinh sản tại vùng miền núi, vùng đồng bằng là hướng đi đúng cho các hộ nghèo, cận nghèo hay các hộ chăn nuôi khác tại các vùng chăn nuôi bò trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Mô hình áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp tăng cường phòng bệnh bằng vaccine và vệ sinh thú y nhằm làm tăng sức đề kháng của vật nuôi, hạn chế dịch bệnh.
 
Mô hình góp phần tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo ở những xã miền núi khó khăn, thay đổi cách tổ chức sản xuất với chi phí sản xuất thấp nhưng tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ở những hộ chăn nuôi xã miền núi.
 
Theo thống kê, 100% các hộ nghèo tham gia mô hình tại huyện Ba Vì, Thạch Thất thoát nghèo, 20% các hộ tham gia mô hình tại huyện Mỹ Đức thoát nghèo. Mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là động lực, sự động viên hỗ trợ lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng với các hộ nghèo. Mô hình đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại các huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
 
Có thể nói mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện đã triển khai đến đúng đối tượng. Đây không chỉ là niềm động viên, khích lệ lớn, mà còn tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để rất nhiều hộ gia đình khó khăn ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t