Hà Nội: Định hình phát triển nhiều chuỗi trong sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết “bốn nhà” (12:33 20/08/2019)


HNP - Ngày 15/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Báo cáo số 445/BC-SNN về xây dựng phát triển chuỗi có nguồn gốc động vật, thực vật gắn với liên kết với “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp).

Theo đó, đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 56 chuỗi có nguồn gốc động vật (52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn và 4 chuỗi sản phẩm thủy sản). Trong đó, chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được xây dựng và phát triển theo 2 hình thức. Thứ nhất là mô hình chuỗi khép kín: Do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả, như: Chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sữa Vinh Nga...

Thứ hai là mô hình chuỗi liên kết: Lấy các tổ chức nông dân (Chi hội, hợp tác xã, hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố làm trọng tâm từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có liên kết hoạt động có hiệu quả, như: Chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai, chuỗi sữa IDP...

Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết, hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện. Kết quả, hơn 20 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu; có 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó, có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” (Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình và trứng vịt Liên Châu).

Đối với xây dựng phát triển chuỗi có nguồn gốc thực vật, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động xây dựng và phát triển được 79 chuỗi có nguồn gốc thực vật bao gồm các chuỗi gạo, chè, rau an toàn, chuỗi trái cây. Một số chuỗi thực vật hiệu quả, như: Cam đường Kim An, bưởi Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, chuối Vân Nam, chuối Cổ Bi, phật thủ Đắc Sở, bưởi thồ Bạch Hạ, gạo thơm Bối Khê, chè Bắc Sơn, gạo bồ nâu Thanh Văn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. Trong đó, triển khai 35 mô hình chuỗi rau an toàn thực phẩm áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS), đây là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.655,4ha (14 xã, phường có diện tích từ 50ha trở lên, 21 xã phường có diện tích dưới 50ha).

Theo Sở NN&PTNT, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chuỗi có nguồn gốc thực vật hiện nay là 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng là 42 tấn/ngày... Đáng chú ý, hoạt động sản xuất rau an toàn theo chuỗi từng bước đã được kiểm soát, diện tích sản xuất rau an toàn đạt hơn 5.000ha, trong đó đạt 224ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ. Sản lượng rau an toàn của thành phố ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm gần 60% so với tổng sản lượng của thành phố.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t