Nâng cao chất lượng và sự đồng đều ở cấp học THCS và THPT (13:59 19/08/2019)


HNP - Chú trọng nâng cao chất lượng và sự đồng đều giữa các trường học là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 cấp THCS và THPT thành phố Hà Nội với các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, diễn ra ngày 12/8 vừa qua.

Các cấp THCS và THPT triển khai nhiệm vụ năm học mới


Trên địa bàn thành phố hiện có 628 trường THCS với hơn 450.000 học sinh và 22.000 giáo viên. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018-2019, các trường đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đạt kết quả toàn diện. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá đạt 99%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi và khá đạt gần 78%. Toàn thành phố có 168 trường trung học cơ sở có 100% số lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 27%. Ngoài ra, nhiều trường có một số lớp dạy học 2 buổi/ngày. Tổng số học sinh được học 2 buổi/ngày của toàn thành phố đạt 32%, tăng 4% so với cùng kỳ năm học trước. Trong năm học 2018-2019, học sinh các trường THCS của thành phố Hà Nội đã tham dự 4 kỳ thi cấp quốc tế, đạt 129 huy chương và giải thưởng. 
 
Năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thành phố tập trung tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đẩy mạnh việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh; tổ chức dạy tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông” cho học sinh lớp 6 trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc thí điểm và chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy học đại trà tài liệu này cho học sinh lớp 7, 8, 9 từ học kỳ II năm học 2019-2020.
 
Với cấp THPT Hà Nội có nhiều bước phát triển cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Số bài thi đạt điểm giỏi (điểm thi đạt từ 8,0 điểm trở lên) là 46.569/401.412 bài thi, chiếm tỷ lệ 11,6%. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố là 96,18% (không tính thí sinh tự do), trong đó THPT đạt 97,60%, GDTX đạt 83,68%; có 70 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó có 41 trường THPT công lập, công lập tự chủ và 29 trường THPT ngoài công lập.
 
Đặc biệt, học sinh THPT của Hà Nội đã giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 (với 11 giải Nhất); 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 (trong đó có 03 đề tài đạt giải Nhất). Mới đây nhất, các em đã giành giải Nhất toàn đoàn khi tham gia Kỳ thi Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA) 2019 được tổ chức tại Hungary với 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Đáng lưu ý, học sinh Nguyễn Mạnh Quân đã đạt HCV với số điểm tuyệt đối và cao nhất trong tất cả các thi sinh đến từ 46 quốc gia.
 
Năm học 2019 - 2020, cấp THPT tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục; nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt chức năng giám sát của xã hội và kiểm tra của cấp trên. Một nhiệm vụ chung nữa của cấp THPT là tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của HS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đồng thời, cấp học này sẽ đẩy mạnh triển khai “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".
 
Trong năm học mới, các trường THPT cũng sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông; tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với kế hoạch của Sở GD&ĐT.
 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 cấp THCS và PTTH, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng yêu cầu, các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ đề năm 2019 của thành phố Hà Nội là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, trong đó ngành Giáo dục tập trung tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác.
 
Các đơn vị tập trung thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Lưu ý các trường THPT cần tập trung nâng cao chất lượng đại trà các môn văn hoá. Các phòng GD&ĐT có trách nhiệm rà soát các mặt còn hạn chế, tồn tại của năm học trước, đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục trong năm học mới, trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và sự đồng đều giữa các trường học trên cùng địa bàn.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t