Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học (21:44 18/08/2019)


HNP - Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, quản lý là những nhiệm vụ được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Một tiết học Ngoại ngữ tại Trường Tiểu học Lương Yên, quận Hai Bà Trưng


Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học 
 
Nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. Để dạy học đạt chất lượng, phương pháp dạy của giáo viên là rất quan trọng. Vì vậy, ngành GD&ĐT luôn chú trọng tới công tác nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy Ngoại ngữ. Tính đến hết năm học 2018-2019, 100% số lượng giáo viên các lớp nâng cao năng lực tiếng Anh đã được bồi dưỡng; 98% số lượng giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; 95% số lượng giáo viên tham gia các lớp ứng dụng công nghệ trong soạn giáo án. 
 
Thầy cô giáo được xem là người tiên phong đổi mới phương pháp dạy, đồng thời, tăng cường bồi dưỡng phương pháp, thói quen, khả năng tự học cho học sinh. Do đó, ngành đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học. Phát triển học ngoại ngữ 2 ở các trường có điều kiện, Tiếng Nhật, Đức, Hàn... Tổ chức các chương trình giao lưu trong trường nhằm nâng cao năng lực nghe nói cho học sinh như: Câu lạc bộ nói tiếng Anh, tranh biện, hùng biện; Đăng cai tổ chức, tham gia các cuộc thi quốc tế (HOMC, IMSO...).
 
Đặc biệt, ngành giáo dục cũng đã tăng cường công tác xã hội hóa đối với các hoạt động dạy và học Ngoại ngữ, ưu tiên việc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài. Các giáo viên nước ngoài thuộc chương trình liên kết tham giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Tổ chức dạy học song ngữ (song bằng) theo Đề án của Thành phố gồm 2 trường THPT và 7 trường THCS. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc sử dụng thiết bị đã được cung cấp theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020…
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý 
 
Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến. 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.
 
Tích cực triển khai Đề án, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thí điểm áp dụng Sách điện tử với các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, Tiếng Anh với các trường tiểu học, THCS, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT hiện đại trong học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên. Phối hợp với Vietttel Hà Nội áp dụng hệ thống ViettelStudy vào việc ôn luyện thi trắc nghiệm môn Lịch sử thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả, đã có 904.589 lượt học sinh tham gia ôn tập trên tổng số 85.000 học sinh dự thi. 
 
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đã có nhiều đổi mới. Sở đã thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS tại 3 Phòng GD&ĐT là quận Long Biên (16 trường), quận Thanh Xuân (4 trường) và quận Bắc Từ Liêm (14 trường). Ngoài ra, còn thí điểm triển khai việc thu phí không dùng tiền mặt đối với các trường học trên địa bàn Thành phố…
 
Đặc biệt, năm học này, Sở tiếp tục triển khai cuộc thi về tìm hiểu tiện ích của dịch vụ công trực tuyến cho học sinh trong các nhà trường phổ thông. Theo đó, năm 2018, cuộc thi đã thu hút được rất nhiều giáo viên, học sinh tham gia. Về tuyển sinh trực tuyến đầu cấp năm học 2019-2020 đạt kết quả cao. Cụ thể, tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non, lớp 1 đạt khoảng 90%; tuyển sinh vào lớp 6 đạt khoảng 90% (tăng gần 20% so với năm học 2018-2019).
 
Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng 40% tổng số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục toàn Ngành đạt mức độ 4. Công khai 100% quy trình giải quyết 65 TTHC tại Bộ phận một cửa và trên Cổng thông tin điện tử của Ngành. Thực hiện đơn giản các TTHC theo hướng 3 giảm: giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ và giảm chi phí cho tổ chức, công dân. Dự kiến, trong năm 2019, sẽ thực hiện đơn giản hóa trên 70% số TTHC lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện và UBND cấp xã…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t