Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc thiểu số (16:04 12/08/2019)


HNP - Trong những năm qua, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trong đó, ngành y tế đã chú trọng đào tạo, thu hút nguồn lực về các tuyến nhất là tuyến y tế cơ sở cả về y học lâm sàng và y học dự phòng, y học gia đình. Đảm bảo 100% số xã DTTS đạt chuẩn về y tế xã theo tiêu chí mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn của ngành Y tế. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành đã phối hợp Tập đoàn Viettel xây dựng phương án triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động y tế cơ sở tại một số huyện và lập kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn TP.
 
Tại Trạm Y tế xã Minh Quang, huyện Ba Vì, trong 6 tháng đầu năm 2019, trạm đã khám được cho hơn 2.100 người, đạt 55% kế hoạch của năm 2019, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Trạm đã duy trì tốt công tác chăm sóc sức khỏe thông thường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn biện pháp tránh thai định kỳ, khám phụ khoa, tư vấn sức khỏe, chuyển tuyến, thực hiện tiểu phẫu.
 
Bác sỹ Hoàng Thị Sen, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Quang, Ba Vì cho biết, khác với phòng khám hay trung tâm y tế, Trạm có chức năng vừa khám bệnh vừa làm công tác dự phòng, trong đó, thực hiện tiêm chủng và tham mưu cho UBND xã làm công tác phòng chống dịch... đặc biệt là duy trì các tiêu chí để đạt chuẩn quốc gia. 
 
Bà Nguyễn Thị Giới, 75 tuổi, ở thôn Nội, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, do tuổi cao, bà thường xuyên đau ốm, nhưng Trạm y tế gần nhà nên việc thăm khám dễ hơn. Bà chia sẻ: “Những năm gần đây, Trạm y tế được TP đầu tư khang trang hơn trước, bác sỹ rất chu đáo, thuốc cũng nhiều hơn”.
 
Người dân khám bệnh tại Phòng khám đa khoa khu vực Tản Lĩnh, Ba Vì
 
Cũng tại huyện miền núi Ba Vì, Phòng khám đa khoa khu vực Tản Lĩnh được TP đầu tư xây dựng theo mô hình bệnh viện thu nhỏ và chính thức đưa vào tháng 7/2018, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân một số xã như: Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài… Cơ sở có diện tích 4.443m2, ngoài trang thiết bị được đầu tư hiện đại, Phòng khám còn có 6 bác sỹ và một số y sỹ, điều dưỡng… Trung bình hàng tháng, Phòng khám tổ chức khám chữa bệnh cho khoảng 1.000 - 1.500 bệnh nhân… Việc đầu tư xây dựng phòng khám đã đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở các xã miền núi.
 
Tương tự, tại huyện Mỹ Đức, xã An Phú là xã miền núi khó khăn, xa trung tâm TP Hà Nội, Trạm y tế được đầu tư xây dựng mới năm 2016 với khu nhà xây cấp 3, hai tầng sạch sẽ và các phòng phụ trợ. Trạm đạt tiêu chí Quốc gia về y tế năm 2016. Từ đó đến nay, Trạm luôn duy trì đạt tiêu chí và phát huy tốt nhất những thành quả đạt được. Bác sỹ Nguyễn Văn Bằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Phú cho biết, với sự đầu tư của TP, hiện Trạm có trang thiết bị đạt quy định chuẩn quốc gia, như: Máy hút dịch, máy siêu âm, máy điện tim, máy doppler tim thai, máy xét nghiệm, máy cho sơ cấp cứu... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân xã miền núi An Phú.
 
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội đánh giá, ở các xã miền núi, các trạm y tế được đầu tư theo chương trình của Ban Dân tộc, nguồn vốn đầu tư cho trạm y tế được ưu tiên nên việc khám chữa bệnh ở các trạm y tế vùng đồng bào dân tộc phát huy được hiệu quả.
 
Theo lãnh đạo Sở Y tế, ngoài việc đầu tư nâng cấp hệ thống trạm y tế ở các xã miền núi, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức các đợt khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Trong các đợt khám chữa bệnh này, Sở luôn lựa chọn những bác sỹ có kinh nghiệm và quan trọng nhất là có chứng chỉ hành nghề để đủ điều kiện để đi khám… trung bình một năm khám cho từ 65 đến 70 nghìn lượt người.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t