Hà Nội: Quyết liệt phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (12:14 08/08/2019)


HNP - Ngày 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban hành Báo cáo số 434/BC-SNN, về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi”.

Theo đó, kể từ khi ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vào ngày 24/2 đến nay, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Lãnh đạo Sở đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo tại thực địa; thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan kiểm tra các địa phương để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Sở NN&PTNT đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về giải pháp chuyên môn, quy trình kỹ thuật phòng, chống, giám sát dịch bệnh, lấy mẫu, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tổ chức diễn tập về các quy trình ứng phó với bệnh DTLCP. Phối hợp cùng các cơ quan thông tin truyền thông thành phố, trung ương tập trung tuyên truyền để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt "5 không" (không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý), "4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ) và định hướng người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ công tác tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không đế dịch bệnh lây lan.

Đáng chú ý, công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh. Trong quá trình tổ chức, thực hiện các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch đã có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương. Các quận, huyện, thị xã đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch.

Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 187 tấn; ngoài ra ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 242 tấn hóa chất, 8.143 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi. Thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội. Tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để test nhanh với DTLCP tại các cơ sở giết mổ, nơi nguy cơ cao.

Công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh đã được tổ chức thực hiện quyết liệt trong thời gian qua nên thiệt hại do dịch bệnh gây ra đến nay so với các tỉnh được giảm thiểu góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất. Còn công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi đã được các quận, huyện, thị xã hỗ trợ kịp thời cho người dân có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy trong thời gian ngắn nhất.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t