Thêm lực đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (17:40 16/08/2019)


HNP - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố vẫn còn khá khiêm tốn và chất lượng còn hạn chế. Để cải thiện tình hình này, cần có những giải pháp tạo ra sức hút đủ mạnh thêm lực đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thu hút đầu tư còn khiêm tốn

Thành phố Hà Nội có hơn 10 triệu người dân cư trú. Trung bình, mỗi tháng, người tiêu dùng Hà Nội tiêu thụ 83.400 tấn gạo, 20.000 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 5.200 tấn thịt gà, 5.050 tấn thủy hải sản, 84.100 tấn rau củ quả, khoảng 95 triệu quả trứng (gà, vịt) và 52.000 tấn trái cây. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 260.000 doanh nghiệp, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Hà Nội còn là trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi lớn của cả nước. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, thời gian qua, thành phố đã mời gọi doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, lựa chọn hình thức đầu tư, địa điểm đầu tư hợp lý, hiệu quả. Thành phố xác định, ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm áp dụng công nghệ cao đối với các lĩnh vực có lợi thế tại các tiểu vùng sinh thái của thành phố, chú trọng từng bước hình thành các tổ hợp nông, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.

Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và phát triển 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng được 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê… Thành phố cũng đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm và cấp tài khoản tham gia hệ thống quản lý cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản, 798 cửa hành kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; cấp mã định danh cho hơn 2.500 sản phẩm, cấp phát hơn 5 triệu tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường khẳng định, ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy vậy, cũng giống với cả nước, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn ít so với các ngành kinh tế khác. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với quy mô nhỏ. Trong khi đó, nông nghiệp là lĩnh đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Vì vậy, muốn bứt phá, không thể tách rời doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là phải thu hút bằng được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Kéo doanh nghiệp về nông thôn

Để thực sự tạo được sức hút với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn có liên kết áp dụng khoa học, công nghệ mới, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Thành phố cũng sẽ dành tỷ lệ ngân sách từ 2 đến 5% cho hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp về việc ưu đãi các chính sách thu hút đầu tư, nhất là về đất đai sản xuất. Cùng với đó, thành phố sẽ bổ sung chính sách bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp, có hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, thành phố mời gọi doanh nghiệp, các đầu tư vào các dự án, chương trình lớn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, như: Chương trình tích tụ ruộng đất gắn với cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản; chương trình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, giảm khí thải nhà kính; chương trình phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp, trang trại xa khu dân cư bảo đảm ATTP; chương trình nuôi trồng thủy sản an toàn; chương trình nâng cao năng lực chế biến nông sản; chương trình ATTP và liên kết chuỗi bền vững giai đoạn 2020-2030; chương trình phát triển dịch vụ môi trường rừng; chương trình phát triển hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống; chương trình hợp tác quốc tế trong cứu hộ động vật hoang dã, quý hiếm.

Đáng chú ý, thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Để tiếp tục phát triển mạnh khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố cho phép dự kiến khảo sát phát triển thêm: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức với quy mô từ 200 đến 1.000ha vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã An Thượng, Song Phương; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh quy mô từ 400 đến 500ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại quận Hà Đông thuộc đất bãi ven sông Đáy thuộc địa bàn phường Yên Nghĩa, với diện tích từ 76 đến 201ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thị xã Sơn Tây quy mô khoảng 841ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) 9,44ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Phú Xuyên từ 100 đến 200ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Phúc Thọ ở xã Hiệp Thuận và vùng lân cận khoảng 200ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Vì từ 150 đến 200ha…

Hy vọng, với nhiều cơ chế, chính sách của thành phố Hà Nội, thời gian tới sẽ thu hút được nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư, tạo ra những bứt phá mới trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t