Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Trọng dân, gần dân, lắng nghe dân (20:14 29/06/2019)


HNP - Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò, sức sáng tạo và động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Quận Thanh Xuân: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nhân dân


Trong thời gian qua, việc Quy chế dân chủ ở cơ sở ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đi vào cuộc sống và đã có chuyển biến rõ nét, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể được nâng lên; công tác tuyên truyền, vận động được triển khai khá tích cực. Việc phát huy Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đây có thể coi là nội dung quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, qua đó giúp mỗi địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Tại huyện Mỹ Đức, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở từ huyện đến cơ sở. Quá trình hoạt động, xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhân dân, nhiều cơ sở đảng đã tổ chức cho nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Phân công đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú; tham khảo ý kiến nhận xét của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và cư trú trước khi đề bạt, bổ nhiệm.
 
Qua triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn có sự đổi mới; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, CCVC đối với nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực...
 
Tại xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), đây là địa phương này đã phát huy vai trò của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đưa ra những nội dung công việc nhân dân bàn bạc, quyết định và tham gia như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công khai tài chính, vốn vay phát triển sản xuất...Ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tuy Lai cho biết: tại trụ sở UBND và hội trường nhà văn hóa các thôn đều thường xuyên được niêm yết công khai các văn bản của nhà nước từ Trung ương đến địa phương để nhân dân nắm bắt thông tin kịp thời. Tất cả các nghị quyết của HĐND và các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân đều được chuyền tải qua hệ thống loa truyền thanh của xã - của thôn. Bình quân, mỗi năm ,tổ chức tuyên truyền trên 60 lượt bằng hệ thống loa đài. Hàng tháng, hàng quý các chi bộ đảng, các thôn thường xuyên tổ chức họp cũng như tổ chức học tập trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để chuyền tải những công việc có liên quan trực tiếp đến nhân dân cũng như tổ chức các kỳ họp tiếp xúc cử tri của các cấp.
 
Bác Nguyễn Hữu Trí, Bí thư chi bộ tổ dân phố 2, phường Phú La (quận Hà Đông) cho biết, việc thực hiện QCDC ở cơ sở chính là xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, từ đó tạo được sự đồng thuận thống nhất cao. Ở tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền cho người dân về chủ trương chính sách của nhà nước. Đặc biệt là các chính sách nhà nước liên quan đến an sinh xã hội, quyền lợi của người dân để người dân biết và giám sát quá trình thực hiện.
 
Ngoài ra, tổ dân phố luôn coi trọng các dư luận trong nhân dân, để xác định những tâm tư nguyện vọng của nhân dân về an sinh xã hội cũng như các kỷ cương đường lối chính sách của đảng. Người dân họ có những phản ánh gì, nêu những bấp cập gì thì tổng hợp lại đề xuất lên phường, nếu là vấn đề lớn sẽ được đưa ra bàn thỏa rõ ràng để đi đến thống nhất.
 
Hay tại quận Thanh Xuân, việc QCDC ở cơ sở đã được triển khai, thực hiện gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đồng thời, góp phần giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh ở cơ sở. Tại phường Thượng Đình đang triển khai nhiều dự án nhưng không phát sinh phức tạp khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Các mặt công tác khác như: Thu ngân sách, xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị đều được phường thực hiện công khai dân chủ...do địa phương này đã tích cực triển khai các giải pháp, các quy định về quy chế dân chủ đã tạo ra sự đồng trong nhân dân.
 
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn ở các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao thái độ phục vụ, giải quyết nhanh chóng những vấn đề mà nhân dân bức xúc, tránh hình thành điểm nóng phức tạp; đồng thời tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để giải quyết căn cơ các vấn đề về quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy...

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t