Đa dạng hóa công tác tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về Dân số (15:40 15/06/2019)


HNP - Năm 2019, công tác Dân Số-KHHGĐ của Thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến. Về quy mô dân số, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, hệ thống y tế cơ sở hầu hết đã cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS được thường xuyên. Có được kết trên, một phần nhờ Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về Dân số năm 2019 được triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.

Hiện, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 76% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, mức sinh, sinh con thứ 3 trở lên ở một số huyện còn cao, mật độ dân số phân bố không đồng đều, chất lượng dân số vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn còn trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật và mắc các bệnh do di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa, trẻ em rối nhiễu tâm trí, béo phì có nguy cơ ngày càng tăng, dịch vụ đáp ứng cho người già chưa thỏa đáng... vì vậy, Chiến dịch tăng cường tuyền truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số ngay từ đầu năm 2019 trên toàn thành phố được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Dân Số-KHHGĐ năm 2019 nhằm mục tiêu: Mức giảm sinh 0,1%o; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh 0,3%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 77%, sàng lọc sơ sinh là 85%; số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai là 350.290 người. Các xã thực hiện Chiến dịch lồng ghép tuyên truyền vận động với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ phấn đấu hoàn thành tổng các chỉ tiêu về các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, SKSS/KHHGĐ góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu thành phố giao năm 2019.

Để tuyên truyền về Chiến dịch, tại cấp Thành phố đã đưa tin, bài về các hoạt động trong Chiến dịch ở một số đơn vị như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm. Đồng thời, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng bám sát đưa tin, bài về các hoạt động của chiến dịch; cung cấp hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp về Dân Số-KHHGĐ, CSSKSS/KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, tài liệu về sàng lọc trước sinh sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, CSSK người cao tuổi...

Tại các quận, huyện, thị xã, ngay từ đầu năm 2019, đã huy động nguồn lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về chính sách mới về công tác Dân số KHHGĐ, tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp tránh thai, các kiến thức liên quan đến hoạt động nâng cao chất lượng dân số, tùy theo tình hình thực tế và đặc thù của từng địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền theo các chủ đề trọng tâm: Đối với các đơn vị có mức sinh và sinh con thứ 3 thấp, tỷ lệ thực hiện các BPTT cao chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS cho các đối tượng, đặc biệt quan tâm các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, kiến thức sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sàng lọc khiếm thính, tim bẩm sinh, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh, lồng ghép triển khai các hoạt động cung cấp một số nội dung liên quan đến dinh dưỡng, phòng chống béo phì vệ sinh ATTP, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người Hà Nội.

Đối với các đơn vị có tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên còn cao lựa chọn các xã tổ chức triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; Tổ chức phát động Chiến dịch tại các quận/huyện/thị xã treo băng zon, khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã. Tổ chức các đoàn xe cổ động, các cuộc Hội thảo, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp... Ngoài ra, kết hợp giám sát và tổ chức các buổi truyền thông nhóm tại cộng đồng về chính sách dân số, kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Đối với cấp xã, phường, thị trấn, các hoạt động truyền thông được thực hiện liên tục từ 1 đến 2 tuần cho đến ngày cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tổ chức họp triển khai Chiến dịch, phân công ban ngành đoàn thể; treo băng zôn tại các trục đường chính, tổ chức các buổi truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề về SKSS/KHHGĐ, cung cấp tài liệu truyền thông trong ngày truyền thông nhóm hoặc ngày cung cấp dịch vụ; tư vấn cho đối tượng tại chỗ.

Đáng chú ý, đã thực hiện rà soát, lập danh sách tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình đối với các đối tượng thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ trước khi triển khai Chiến dịch. Ngoài ra, tăng cường hoạt động truyền thông trên hệ thống đài truyền thanh phường, xã với thời lượng tăng từ 10 phút đến 15 phút trong đợt tổ chức Chiến dịch. Đặc biệt công khai chế độ cho người tham gia chiến dịch trên hệ thống truyền thanh phường, xã và niêm yết công khai tại Trạm Y tế.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Dân Số-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với quận/huyện/thị xã chủ động xây dựng chỉ tiêu phân bổ các biện pháp tránh thai và cấp phát phương tiện tránh thai...; tổ chức kiểm tra giám sát tại 40 xã thuộc các huyện khó khăn về công tác tổ chức, triển khai Chiến dịch, trong quá trình kiểm tra giám sát đã phát hiện những tồn tại, khó khăn kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị khắc phục.

Chiến dịch năm 2019 tập trung chuyển theo hướng dân số và phát triển, vì vậy, các đơn vị đã phối hợp với các đơn vị y tế cung cấp nhiều dịch vụ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dân số. So với cùng kỳ chiến dịch đợt I/2018, kết quả chiến dịch năm 2019 tăng về chủng loại dịch vụ được cung cấp và số lượng người tham gia thực hiện từng dịch vụ hầu hết cũng đều tăng. Việc triển khai cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trên đã đem lại những hiệu quả tích cực như thu hút được nhiều người dân đến trong ngày Chiến dịch, đáp ứng nhu cầu thăm khám của người dân, Chiến dịch không chỉ tập trung vào đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà hướng tới cung cấp các dịch vụ đến toàn dân.

Từ nay đến cuối năm, đối với những địa bàn chỉ tiêu thực hiện Chiến dịch còn thấp, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đầu tư, huy động nguồn lực tập trung tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về dân số thường xuyên và các đợt cao điểm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động và cung cấp các dịch vụ về dân số thường xuyên đề hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2019. Để năm 2020, công tác Dân số-KHHGĐ thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch giai đoạn, các đơn vị cần xây dựng các chỉ tiêu về BPTT cho phù hợp, đánh giá rút kinh nghiệm Chiến dịch năm 2019, xây dựng kế hoạch lựa chọn địa bàn triển khai Chiến dịch năm 2020 cho phù hợp và thực hiện triển khai Chiến dịch ngay từ đầu năm 2020.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t