Hà Nội: Bảo đảm nguồn lực cho đào tạo nhân lực tay nghề cao (09:47 07/06/2019)


HNP - Đây là những nỗ lực trong công tác đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, điểm nổi bật của thành phố Hà Nội là đã dành nguồn lực không nhỏ cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Việc đầu tư kinh phí của thành phố trong những năm qua đã góp phần phát triển mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư hiện đại, đa chủng loại đáp ứng với nhu cầu đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cả về số lượng và nhất là về chất lượng. Các cán bộ và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước về kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học...

Đáng chú ý, giai đoạn 2015 -2018, UBND thành phố đã cân đối và có các quyết định phân bổ kinh phí trung ương thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động cho việc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy nghề của 3 trường. Cụ thể, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội được đầu tư nghề điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội được đầu tư nghề cơ điện tử, điện tử công nghiệp; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội được đầu tư nghề biểu diễn nhạc cụ phương tây và thanh nhạc.

Các nghề được hỗ trợ để đầu tư của các trường là những ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn và phê duyệt theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017. Đặc biệt, các nghề về kỹ thuật của 2 trường (Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao) là những ngành, nghề được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho phép sử dụng Bộ chương trình chuyển giao từ Úc để đào tạo thí điểm cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Úc và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo quy định tại Quyết định số 1808/QĐ-BLĐTBXH, ngày 9/12/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đối với các nghề trọng điểm được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo của các nhà trường trên địa bàn thành phố đã đáp ứng được những yêu cầu đề ra. Nhà giáo được sử dụng các trang thiết bị giảng dạy mới, tiên tiến, học sinh, sinh viên được thực hành, thực tập nghề trên các học cụ, thiết bị hiện đại và đồng bộ, do đó số người có nhu cầu vào học các nghề trọng điểm tăng hằng năm.

Ngoài ra, để chuẩn bị các bước tiến đến việc tự chủ về các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các trường huy động một số kinh phí từ những nguồn trong xã hội. Trong đó, có nguồn từ việc thu học phí của học sinh và các nguồn khác để đầu tư cho việc phát triển dạy nghề. Song song với đó là tìm kiếm các đối tác nước ngoài hoặc doanh nghiệp để tận dụng các trang thiết bị, máy móc của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhằm giảm bớt chi phí dạy nghề. Đối với đào tạo lao động kỹ thuật cao, hiện nay ngoài liên kết với các doanh nghiệp trong nước để thực hiện đào tạo, nhiều trường đã liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài, nhận chuyên giao công nghệ từ những quốc gia có nền giáo dục hiện đại tiên tiến như: Hàn Quốc, Đức, Phần Lan..., mời chuyên gia quốc tế sang giảng dạy và hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành nghề nghiệp…


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t