Hà Nội: Nhiều đổi mới trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao (20:32 06/06/2019)


HNP - Các sở, ngành liên quan thành phố Hà Nội vừa rà soát kết quả 5 năm về đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, để người học có trình độ kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, một số trường trên địa bàn thành phố đã chủ động liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài để chuyển giao công nghệ, thay đổi phương pháp giảng dạy. Hiện nay, thành phố có 2 trường: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đang áp dụng đào tạo thí điểm bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Cộng hòa Liên Bang Đức…

Liên quan đến đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp; xây dựng các tiêu chỉ đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thành phố chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các phương pháp và hình thức thi, kiểm tra, tăng cường thi, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thực hành tại xưởng, doanh nghiệp. Cùng với đó, đổi mới nội dung ra đề thi, kiểm tra theo hướng chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn; đánh giá sự trưởng thành về phẩm chất và năng lực của người học; đổi mới thi và thực tập tốt nghiệp theo hướng đánh giá năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Với mục tiêu để chủ sử dụng lao động tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố luôn quan tâm và triển khai gắn kết quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Cụ thể: Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc tổ chức cho học sinh thực tập, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thực tập nghề cho nhà trường, doanh nghiệp đặt hàng nhà trường đào tạo và các hoạt động hợp tác khác để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường gắn kết với các doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển chuyên môn nghề nghiệp, cập nhật những công nghệ tiên tiến trong thực tế sản xuất. Mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, phản hồi chất lượng “sản phẩm” đào tạo.

Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cũng luôn được thành phố quan tâm và chỉ đạo sát sao. Còn các sở, ngành liên quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã vào cuộc tích cực và thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Các trường THCS đã đẩy mạnh công tác định hướng, phân luồng một cách hợp lý. Các bậc phụ huynh, học sinh đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng và những lợi ích khi tham gia học nghề. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường trung cấp chuyên nghiệp đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh với các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS.

5 năm qua, học sinh khi hoàn thành chương trình THCS được phân luồng như sau: Từ 60 - 62% vào các trường THPT công lập; 18 - 20% vào các trường THPT ngoài công lập; 10% vào trung tâm giáo dục thường xuyên; 8-10% vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và học nghề, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã tăng lên đáng kể, năng lực của người học được phát huy; gia đình, xã hội đã giảm bớt thời gian và chi phí cho công tác đào tạo; các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã có nhiều lựa chọn hơn trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và trường THPT tư thục…


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t