Tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã (16:46 08/06/2019)


HNP - Công tác bảo vệ động vật hoang dã giúp bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người…Trong thời gian qua, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp và có hiệu quả nhằm bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn thành phố.

Khu vực nuôi động vật hoang dã của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội


Trong thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu, công tác tổ chức bộ máy và chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, cũng như chuồng trại hiện có để phục vụ cho công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã (ĐVHD). Trong năm 2018, đơn vị cũng tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả ĐVHD về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ.
 
Năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận 73 vụ việc với 400 cá thể động vật hoang dã và 13kg rắn, trong đó, động vật hoang dã còn sống là 395 cá thể và 13 rắn các loại. Đã tổ chức 26 đợt kiểm tra sức khỏe cho 2.314 lượt các cá thể ĐVHD, gồm: Hổ, Gấu, Ngựa, Mèo rừng…Trung tâm đã điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp, tổ thương da. Đã phối hợp với tổ chức Four Paws khám sức khỏe 1 đợt cho 3 cá thể Gấu ngựa.
 
Cùng với tiếp nhận, Trung tâm cũng tổ chức các đợt tái thả và chuyển giao cho các đơn vị thả về môi trường tự nhiên. Năm 2018, đã tổ chức tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh, trong đó, có 1 đợt với 64 cá thể và 11kg rắn; 40 cá thể khỉ đuôi dài, 10 cá thể khỉ đuôi lợn, 5 cá thể rắn hổ mang chúa, 4 cá thể khỉ mặt đỏ, 4 cá thể khỉ vàng, 1 cá thể khỉ mốc, 11kg rắn phì.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chuyển giao nhiều đợt cho Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, chuyển giao 73 cá thể Tê tê java cho vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình; Chuyển giao ĐVHD đã chết cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
 
Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Hổ, Gấu, Chim công, Vượn đen má trắng, chim Hồng Hoàng,… Hiện nay, Trung tâm có 269 cá thể, tất cả đều được chăm sóc nuôi dưỡng, phát triển ổn định.
 
Để nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác chăm sóc động vật hoang dã, Trung tâm đã tích cực trong lĩnh vực hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (FB Việt) thuộc Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Four Paws. Phối hợp với Trung Tâm Cứu Hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động Vật Châu Á để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về tài chính cho trung tâm trong công tác làm giàu phúc lợi động vật và công tác thú y.
 

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của đơn vị mình
 
Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận 32 vụ với 91 cá thể động vật hoang dã. Tổ chức tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên 3 đợt với 103 cá thể và 1,2 kg rắn tại vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh, vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An, Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai..
 
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, hiện nay, đơn vị còn gặp một số khó khăn như: Dự án mở rộng trung tâm chậm được triển khai, diện tích mặt bằng quá chật hẹp, chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu xây dựng chuồng trại nuôi nhốt cứu hộ. Đặc biệt, chưa có diện tích xây dựng chuồng trại bán hoang dã để nuôi phục hồi tập tính sau cứu hộ, cũng như nuôi bảo tồn các loại động vật hoang dã.
 
Theo Phó Giám đốc Lê Xuân Sơn, động vật hoang dã đưa đến cứu hộ tại Trung tâm, đa phần được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ do vậy nguy cơ lây bệnh giữa các loài động vật hoang dã với nhau là rất cao. Đặc biệt, các dịch bệnh này có thể lây sang người khi làm việc. “Cái khó hiện nay là về chế độ cho cán bộ làm công các chăm sóc động vật hoang dã không được áp dụng như cán bộ làm công tác thú y, trong khi đó, cán bộ chăm sóc động vật hoang dã vẫn phải tiếp xúc những nguy hiểm rình rập hàng ngày” ông Lê Xuân Sơn chia sẻ.
 
Đồng chí cũng cho biết, trong quy định về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm có nội dung về phát triển mô hình thăm quan, trải nghiệm, thu hút khách thập phương. Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm cũng chưa thực hiện được việc này do diện tích còn nhỏ hẹp, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng.
 
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2019, Trung tâm sẽ thực hiện tốt việc đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn của đơn vị, đặc biệt là công tác cứu hộ. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết thủ tục liên quan đến công tác cứu hộ. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng trị dịch bệnh, đặc biệt vào những ngày thời tiết giao mùa. Kịp thời nắm bắt mọi diễn biến tình hình thời tiết để có phương án phòng chống ứng phó với các diễn biến bất thường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t