Hà Nội: Một số vị trí nền đê, cống dưới đê, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ quản lý đê xuống cấp (08:30 23/05/2019)


HNP - Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội vừa đánh giá nền đê, cống dưới đê và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác quản lý đê trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác phòng chống lụt bão thời gian tới.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, địa chất nền của các tuyến đê trên địa bàn thành phố rất phức tạp, nhiều đoạn đê có địa chất liền xấu, đầm, hồ, ao ven đê nhiều. Vì vậy, trong mùa lũ thường xuất hiện mạch sủi, giếng sủi, đơn cử tại khu vực Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm... Cá biệt có nơi xuất hiện cả tập đoàn mạch sủi như ở khu vực xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ).

Một số vị trí đã được thành phố Hà Nội gia cố chủ yếu bằng biện pháp đắp tầng phủ, đào giếng giảm áp. Tuy có giảm về số lượng và xuất hiện mạch đùn, mạch sủi xa đê, nhưng vẫn có khả năng gây ra nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Một số vị trí trên tuyến đê hữu Hồng vào mùa lũ thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, bùng nhùng đã được lắp đặt hệ thống giếng giảm áp. Qua rà soát, trên địa bàn thành phố, tổng số đã lắp đặt 279 giếng giảm áp. Tuy nhiên, hằng năm, cần bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác sửa chữa, duy tu bảo dưỡng theo đúng quy trình vận hành…

Các tuyến đê trên địa bàn thành phố còn có 194 cống dưới đê, trong đó: 19 cống đã hoành triệt; 33 cống cần sửa chữa; 27 cống cần xây mới; 3 cống đang thi công. Hầu hết các cống đều đã được xây dựng từ lâu. Một số cống lớn, đáy cống ở cao trình thấp, được xác định là các trọng điểm phòng chống lụt bão, cần phải lập phương án bảo vệ, như: Cống Liên Mạc, cống Yên Sở, cống Cẩm Đình, Thụy Phú... Đặc biệt là cống Cẩm Đình tại K1+350 đê Vân Cốc, ngày 25/7/2016 thượng lưu cống xuất hiện dòng nước đục đẩy ngược bên phải mang cống; ngày 28/8/2017 tiếp tục phát hiện mạch đùn, mạch sủi phía hạ lưu cống. Ngày 27/11/2017, đơn vị quản lý cống này tiếp tục phát hiện sự cố mạch đùn, mạch sủi phía thượng lưu cống Cẩm Đình (vị trí xuất hiện trùng với vị trí năm 2016). Sự cố mạch đùn, mạch sủi dưới cống Cẩm Đình là nghiêm trọng, xuất hiện ở cả thượng và hạ lưu cống khi có chênh lệch mực nước; hiện sự cố đang được các sở, ngành liên quan xử lý.

Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác quản ý đê, trên các tuyến đê của thành phố có 365 điếm canh đê; 73 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão dọc các tuyến đê, các trọng điểm; trụ sở của 17 Hạt Quản lý đê... Hiện nhiều công trình đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đê điều, phòng chống lụt bão. Vì vậy, cần xây dựng và cải tạo trụ sở quản lý đê, kho vật tư dự phòng phục vụ phòng chống lụt bão, điếm canh đê; trang, thiết bị phục vụ quản lý, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đến các cấp chỉ huy, chỉ đạo phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách quản lý đê của thành phố.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t