Hòa giải ở cơ sở: Giải quyết các tranh chấp ở ngay cộng đồng dân cư (09:49 07/06/2019)


HNP - Nhằm thiết thực giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở, vun đắp sự hòa thuận từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, thời gian qua, nhiều quận, huyện, xã phường trên địa bàn thành phố đã chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Lực lượng nòng cốt tích cực tham gia các tổ hòa giải là đội ngũ cán bộ, đảng viên các chi bộ thôn, bản, khu phố cùng đại diện MTTQ và các đoàn thể nhân dân; dùng tiếng nói và uy tín của mình để gìn giữ mối đoàn kết, trật tự tại nơi cư trú. Dù hòa giải cơ sở là công việc không quá phức tạp nhưng lại có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật, tranh chấp không lớn trong nội bộ quần chúng nhân dân.
 
Tại quận Thanh Xuân, bác Đào Thị Thạc, Tổ trưởng tổ dân phố 6, khu dân cư số 3, phường Kim Giang cho biết, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, người làm công tác hòa giải phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải, có tinh thần tận tụy với công việc, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, có thái độ khách quan vô tư khi nhìn nhận sự việc và thực hiện hòa giải… Tuy nhiên, không phải bất cứ việc gì xảy ra ở khu dân cư cũng đưa vào hòa giải mà hòa giải viên cần phải biết vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, pháp luật…
 
Cũng theo bác Thạc, hòa giải viên phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, các văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Chẳng hạn như đối với mâu thuẫn làng xóm cần có tổ đoàn kết; mâu thuẫn gia đình cần có người lớn tuổi đứng đắn, uy tín, kinh nghiệm, có đại diện hội người cao tuổi, đại diện phụ nữ,…
 
Còn tại quận Long Biên, ông Bùi Quang Cự, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh cho rằng, công tác hòa giải muốn thành công phải xác định con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của công tác hoà giải. UBND phường Thượng Thanh đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên. Theo mô hình tổ hòa giải "5 tốt", mỗi tổ dân phố là một tổ hoà giải, theo đó, hiện nay, phường Thượng Thanh có 28 tổ hòa giải. 
 
Theo lãnh đạo UBND phường Thượng Thanh, hiện, số hòa giải viên của phường là 251, trong đó, nữ là 122 người, nam là 129 người. Chất lượng các tổ hòa giải sau khi kiện toàn được nâng cao, đáp ứng nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở. Các tổ hòa giải đã phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, kịp thời hòa giải những vụ việc mâu thuẫn, không để phát sinh thành điểm nóng, đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 85%, số tổ hòa giải đạt tiêu chí tổ hòa giải “5 tốt” hàng năm ngày càng cao.
 
Đối với công tác hòa giải cơ sở tại huyện Đan Phượng, hàng năm, huyện đã kiện toàn tổ hòa giải. Năm 2014, trên địa bàn huyện có 131 tổ hòa giải với 776 hòa giải viên. Đến năm 2018, đã tăng lên 132 tổ hoà giải với 902 hoà giải viên. Thành phần tổ hoà giải ở cơ sở gồm: Trưởng ban công tác Mặt trận cơ sở, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể thôn, người có uy tín trong thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Trong đội ngũ hòa giải viên có 49 người có trình độ chuyên môn Luật, một số hòa giải viên có trình độ chuyên môn khác như nông nghiệp, kinh tế, sư phạm…
 
Theo bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, trong thời gian qua, huyện đã bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hàng năm, qua đó, kết quả hoạt động của các tổ hòa giải ngày càng cao.Trong 05 năm triển khai, thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, trên địa bàn huyện phát sinh 705 vụ việc, hòa giải thành 599 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%.
 
Theo kế hoạch của thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này đối với đời sống xã hội. Các cấp, các ngành cần xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
 
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động; bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t