Sau 2 năm thực hiện chính sách dân tộc ở Hà Nội: Thành tựu, thách thức cần vượt qua (14:15 21/05/2019)


HNP - Sau hơn 2 năm thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn, kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã có những chuyển biến rõ nét. Hạ tầng kinh tế, xã hội, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc,… Tuy nhiên, do một vài nguyên nhân, việc thực hiện một số chính sách vẫn gặp những khó khăn, cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.

Rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng

Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô. Trong đó, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, diện mạo kinh tế các địa phương miền núi từng bước phát triển. Chẳng hạn như chính sách về kinh tế, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô với tổng kinh phí là 1.000 tỷ đồng đầu tư cho 68 công trình. Hầu hết các dự án đã được thành phố bố trí đủ vốn. UBND các huyện đã triển khai các dự án đảm bảo tiến độ theo kế hoạch vốn đã giao. Tính đến hết năm 2018 có 68 công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng theo chính sách của trung ương quy định.

Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, các xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đều ở mức khá; thu nhập bình quân của người dân tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa, nước sinh hoạt. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều dự án đã triển khai và sớm đưa vào vận hành, khai thác, góp phần tăng tỷ lệ số người dân được cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn từ 37,2% (năm 2016) lên 52%. Đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 14 xã dân tộc miền núi đạt tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình.

Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi của Thủ đô được coi trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố nói chung và vùng dân tộc miền núi nói riêng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từng bước trưởng thành. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi Thủ đô được giữ vững. Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã góp phần rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những khó khăn, thách thức

Có thể nói, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, giúp diện mạo kinh tế các địa phương miền núi của Thủ đô từng bước phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã có những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Ví như, địa hình các xã miền núi đi lại khó khăn, các công trình phúc lợi công cộng chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất chưa đảm bảo, điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế không thuận lợi… Trong khi đó, phương thức sản xuất manh mún, sản phẩm làm ra chưa trở thành hàng hóa có chất lượng cao, chất lượng nguồn nhân lực trong vùng thấp, chưa năng động trong việc tiếp cận với cơ chế thị trường…

Khắc phục hạn chế trên, để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố, các chương trình, kế hoạch của thành phố về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố trung huy động các nguồn lực đầu tư cho các chương trình dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, xã hội như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ phát triển sản xuất; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía các địa phương, chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ theo lợi thế, tiềm năng, khả năng theo vùng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Ngoài ra, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc; chủ động rà soát các văn bản hướng dẫn, cơ chế thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường nguồn kinh phí truyền nghề được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công hằng năm của thành phố; chỉ đạo các huyện rà soát những xã trên địa bàn có lưới điện cũ, chưa được cải tạo gửi đơn vị hoạt động điện lực để có trách nhiệm đầu tư công trình điện theo quy hoạch. Có cơ chế, chính sách đầu tư cải tạo nâng cấp các chợ đã xuống cấp, đặc biệt với các chợ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của thành phố đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô hằng năm hơn 10%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt từ 90% trở lên; giữ vừng tỷ lệ 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 70%; 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; trên 80% hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu tưới 100% diện tích đất nông nghiệp; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới…


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t