Hà Nội: Những đổi thay nhờ thực hiện chính sách dân tộc (09:19 16/05/2019)


HNP - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đã có nhiều đổi thay từ thực hiện chính sách dân tộc. Đáng chú ý, kinh tế, xã hội phát triển, công tác an sinh xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô không ngừng được chăm lo, khoảng cách giữa miền xuôi với miền núi được rút ngắn dần.

Chuyển biến rõ nét

Trước khi Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành đi vào cuộc sống, tỉnh Hà Tây (cũ) có 1 thôn và 9 xã dân tộc thiểu số. Sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội năm 2008, thành phố Hà Nội có 1 thôn và 13 xã dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng. Nhìn chung, điều kiện kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô thời điểm này còn nhiều khó khăn, thách thức như: Trình độ dân trí thấp; kinh tế phát triển chậm; thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, trên 20%; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, một số địa phương chưa có điện và thiếu nước sinh hoạt.

Trước thực trạng trên, Thành ủy, HĐND, UBND đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW thông qua các chính sách, ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, nhằm giảm dần khoảng cách về đời sống giữa đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi và nhân dân vùng đồng bằng... Theo đó, thành phố đã tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Đáng chú ý là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 30/11/2012 của UBND thành phố về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND thành phố về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô giai đoạn 2016-2020...

Thông qua các chính sách hỗ trợ, diện mạo kinh tế, xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô thu được nhiều kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong 15 năm qua, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức khá (trên 10%), thu nhập bình quân đầu người đã đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 2-3%; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa...

Cũng thông qua các chính sách hỗ trợ của thành phố, đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 14/14 xã dân tộc miền núi đạt tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô ủng hộ và thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố nói chung và vùng dân tộc miền núi nói riêng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từng bước trưởng thành; công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi được giữ vững.

Những kết quả trên đã góp phần rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô; đồng thời củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững

Nhìn chung, mặt bằng đời sống của khoảng 53.000 người ở 153 thôn của 14 xã thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức) có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế ở một số địa phương chuyển dịch còn chậm, chất lượng sản phẩm chưa cao, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thu nhập bình của người dân so với mặt bằng chung của thành phố còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo có địa phương khá cao. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực thuộc các xã vùng dân tộc miền núi rất lớn nhưng việc bố trí nguồn lực còn hạn chế; kết cấu hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; chất lượng giáo dục còn hạn chế và chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc thiểu số ở một số nơi nhìn chung còn thấp...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi thấp. Bởi địa hình ở các xã miền núi đi lại còn khó khăn; các cơ sở y tế, giáo dục, các công trình phúc lợi công cộng chưa đồng bộ; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất chưa đảm bảo; đất sản xuất thiếu, điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế không thuận lợi, phương thức sản xuất manh mún, sản phẩm làm ra chưa trở thành hàng hóa có chất lượng cao; chất lượng nguồn nhân lực trong vùng thấp, chưa qua đào tạo, chưa năng động trong việc tiếp cận với cơ chế thị trường...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới, ngoài triển khai các chương trình, kế hoạch, chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, thành phố tiếp tục ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung cho công việc chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số; dự án bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đáng chú ý, thành phố chỉ đạo xây dựng quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa gắn với thị trường, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch, nhất là dịch vụ sinh thái. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với vùng nông thôn của thành phố.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t