Tăng cường tuyên truyền để chấm dứt kỳ thị với người nhiễm HIV (21:10 07/05/2019)


HNP - Chiều 7/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức họp giao ban báo chí về Chiến dịch truyền thông K=K (Không phát hiện=Không lây nhiễm HIV).

TS. Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) thông tin tại buổi giao ban báo chí


Phát biểu tại họp báo, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng: Một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu.
 
Đối với nhiều người sống với HIV và bạn tình của họ, K=K là một cơ hội chưa từng có để biến đổi cuộc sống của người nhiễm HIV. Họ có thể sống mà không sợ lây truyền qua đường tình dục và có thể lên kế hoạch cho con cái của họ. Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV sẽ giảm hoặc biến mất vì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục từ những người sống với HIV có ngưỡng tải lượng virus dưới 200 bản sao/1 ml. Đặc biệt, thông điệp K=K sẽ có tác dụng khuyến khích những người sống với HIV tiếp cận chăm sóc sớm, tham gia vào điều trị ART, duy trì tốt việc điều trị để bảo vệ sức khỏe cho họ và bạn tình của mình.
 
Chiến dịch truyền thông về thông điệp K=K đã được triển khai thành công tại TP HCM, các phương tiện truyền thông xã hội tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế và truyền thông, cùng sự chứng thực của những người sống chung với HIV và việc giảm kỳ thị trong các nhóm đích. Chính vì vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với các đối tác khác để phát triển và thực hiện chiến dịch K=K tại Hà Nội.
 
Theo bà Lã Thị Lan, chiến dịch truyền thông về thông điệp K=K tại Hà Nội với mục đích tăng cường việc tiếp cận sớm vào chương trình chăm sóc, điều trị và duy trì điều trị ARV, theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ của bệnh nhân HIV/AIDS ở các phòng khám ngoại trú. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế thông qua hiểu biết về K=K và tại cộng đồng nhờ hiểu biết về K=K được truyền thông rộng rãi qua các mạng thông tin đại chúng tại Hà Nội.
 
Chiến dịch này sẽ thông qua các hoạt động như duy trì và cập nhật trang fanpage Facebook K=K; tập huấn phóng viên báo chí truyền thông về vấn đề này; sự kiện khởi động chiến dịch; cung cấp thông tin cho lãnh đạo cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội; tập huấn cho cán bộ khoa kiểm soát dịch bệnh và phòng y tế về thông điệp truyền thông K=K...
 
Bà Lã Thị Lan cho biết, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia vào mục tiêu phòng chống và giảm tỉ lệ nhiễm HIV, bằng cách tăng cường nhận thức của cộng đồng về HIV và điều trị thuốc kháng HIV (ARV), đặc biệt về việc tiếp cận với xét nghiệm và thuốc ARV hiện nay đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuốc được BHYT chi trả 100%. Đồng thời, cung cấp thông tin chính xác về K=K, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của việc uống thuốc hàng ngày theo chỉ định và thường xuyên theo dõi tải lượng virus, với thông điệp “Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính với họ”.
 
Ngoài ra, sẽ góp phần cung cấp thông tin về các biện pháp dự phòng HIV khác và xóa bỏ kì thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV, để họ yên tâm tiếp cận xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế, có cuộc sống khỏe mạnh, bình thường.
 
Tính đến 31/12/2018, số người nhiễm HIV còn sống trên toàn quốc là 210.450 người và Hà Nội có 21.038 người. Năm 2018, Hà Nội phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV. Tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam, trong 10 năm qua, cả 3 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm đều giảm nhưng nhiều khó khăn thách thức vẫn đang tồn tại. Điều đáng nói là lây nhiễm qua đường tình dục tăng mạnh đã trở thành phương thức lây truyền chủ yếu trong thời gian gần đây, tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018 tại Hà Nội. Vì vậy, bạn tình của người nhiễm HIV được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động; can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS do chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động. Hà Nội là thành phố trọng điểm trong khu vực các tỉnh vùng kinh tế phía Bắc cam kết thực hiện mục tiêu này.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t