Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Sóc Sơn (21:00 24/04/2019)


HNP - Ngày 24/4, đoàn công tác Sở NN&PTNT đã tiến hành công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Sóc Sơn.

Huyện Sóc Sơn tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chợ dân sinh


Theo đó, tại huyện Sóc Sơn, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 915 hộ thuộc 106 thôn của 25 xã, thị trấn (xã Minh Trí chưa có dịch), tiêu hủy 9.238 con lợn, trọng lượng tiêu hủy là 619.652 kg. Như vậy, trong vòng 1,5 tháng, dịch bệnh đã lây lan từ một xã ban đầu ra toàn huyện, đã có 57,22% số thôn và 7,36% số hộ và 7,41% tổng đàn lợn mắc bệnh bị tiêu hủy. Dự kiến, số kinh phí hỗ trợ cho người dân có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy khoảng 21 tỷ đồng.
 
Nguyên nhân dẫn tới bùng phát và lây lan dịch nhanh là do các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn có nguy cơ cao, nằm trong vùng bị uy hiếp. Mặt khác, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, vệ sinh phòng bệnh kém, điều kiện giết mổ nhỏ lẻ... làm lây lan, bùng phát dịch. Nhận thức không đầy đủ của một bộ phận người dân trên địa bàn cho rằng dịch không lây sang người nên lợn ốm vẫn bán thịt và ăn, đi lại giao lưu giữa các hộ nên làm lây lan dịch bệnh.
 
Tại buổi kiểm tra thực tế tại xã Nam Sơn cho thấy: xã có 1.736 hộ, trong đó, hộ chăn nuôi có 469 hộ, với tổng số 6.018 con lợn. Đến nay, đã tiêu hủy 418 con lợn, với tổng trọng lượng 21.690 kg của 40 hộ thuộc 3 thôn: Hoa Sơn, Thanh Hà và Đông Hạ. Hiện, xã đang chờ kết quả xét nghiệm đối với 26 hộ có lợn bị bệnh chết.
 
Để phòng chống dịch, thời gian qua, xã đã phát các bài tuyên truyền và thông báo để người dân hiểu cũng như nắm bắt về bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân dân ý thức được trách nhiệm của mỗi người trong công tác phòng chống dịch; không tự ý buôn bán giết mổ, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường gây ô nhiễm và làm phát tán dịch bệnh. Tuy nhiên, do địa bàn xã rộng, các hộ chăn nuôi không tập trung, tính chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi chưa cao, nhất là các hộ chăn nuôi lợn. 

Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chủ yếu thực hiện công tác tiêu hủy, tiêu độc đều do Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, phân công và huy động cả lực lượng thuê ngoài phục vụ cho công tác tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
 
Tại xã Bắc Sơn, trên địa bàn xã đã có 39 hộ thuộc 6 thôn phát hiện lợn ốm chết có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Số lợn bắt buộc tiêu hủy 573 con, trọng lượng tiêu hủy là 43.003,5 kg, hai thôn Đô Tân, Năm Lý có lợn ốm chết đã lấy mẫu nhưng đang chờ kết quả. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, xã Bắc Sơn đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng đến nay dịch bệnh không dừng lại mà còn tiếp tục lây lan bùng phát rất mạnh.
 
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: nhiều hộ còn sử dụng thức ăn dư thừa nhưng không được nấu chín, phương tiện vận chuyển không đảm bảo. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không sử dụng an toàn sinh học, vẫn giữ thói quen thăm nom chuồng trại khiến dịch lây lan rất nhanh. Nhiều người dân do tò mò nên đến nơi tiêu hủy lợn mắc bệnh để xem... cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh.
 
Lãnh đạo Sở yêu cầu huyện Sóc Sơn cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sâu rộng tới người dân để họ biết và chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nên thành lập đội tuyên truyền lưu động tới các hộ chăn nuôi để nâng cao nhận thức cho người dân. Tăng cường quản lý chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ cũng như vận chuyển sản phẩm từ lợn. Tiến hành tiêu hủy ngay đối với những hộ liền kề, các hộ nằm trong xóm, tổ dân cư đã có lợn chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi có hiện tượng lợn ốm, chết có triệu chứng điển hình của bệnh mà không cần phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, vừa giảm chi phí lấy mẫu, chi phí tiến hành tiêu hủy và phát tán, lây lan dịch bệnh.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t