Hiệu quả từ mô hình khuyến nông (14:01 23/04/2019)


HNP - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao vào sản xuất, Hà Nội đã định hình được nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân ngoại thành nâng cao thu nhập.

Sau những kỳ vọng, người dân xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) rất hồ hởi khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lựa chọn thực hiện mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho hay: tham gia mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ gia đình trên địa bàn huyện được hỗ trợ 50% giống cây trồng và vật tư thiết yếu. Ngoài ra, được tập huấn và có cán bộ khuyến nông luôn theo sát, hướng dẫn thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông.

Không riêng huyện Đan Phượng, triển khai mô hình khuyến nông trong trồng trọt, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai thực hiện các dạng mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức); mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp với quy mô 150 tấn nguyên liệu, thực hiện tại 3 điểm tại các xã: Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và Phương Trung (huyện Thanh Oai); mô hình tưới nước tiết kiệm cho rau, hoa, quả tại 5 điểm tại các huyện: Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội đang triển khai 3 dạng mô hình. Trong đó, mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn quy mô 50.000 con, thực hiện tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Đây là mô hình sử dụng giống gà mía thuần, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thả vườn, có sử dụng thảo dược giúp tăng cường sức đề kháng, mát gan, kháng stress, giảm sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện mô hình đã triển khai xong công tác thẩm định chọn hộ xin tham gia mô hình đủ điều kiện thực hiện mô hình về diện tích chuồng trại, diện tích vườn thả, khả năng đối ứng trong quá trình nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho hay, chuồng trại hộ gia đình tham gia mô hình này phải bảo đảm diện tích từ 8 đến 10 con/m2, thoáng mát, không dột nát, vườn thả vật nuôi có diện tích từ 1 đến 3m2/con, đồng thời, có cây tạo bóng mát để cho gà...

Một mô hình nữa Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang triển khai được đánh giá cao là nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Mô hình này có quy mô 6ha thực hiện tại 5 điểm ở các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ và Quốc Oai với 6 hộ tham gia. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản, quản lý tốt môi trường và dịch bệnh và góp phần tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng tại Thủ đô.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang triển khai thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAHP với quy mô 25ha thực hiện ở 6 điểm tại 5 huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa với 24 hộ tham gia. Đây là mô hình có hướng áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản, giúp cho người dân nâng cao ý thức phòng trị bệnh và quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản...

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: các mô hình khuyến nông triển khai trên địa bàn thành phố đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm; từ đó giúp bà con nắm chắc kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chế biến và bảo quản thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh... Đáng nói, nhiều sản phẩm từ các mô hình đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường. Nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng các chương trình trọng điểm theo đối tượng nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, theo chuỗi giá trị kết hợp truy xuất nguồn gốc, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t