Tạo đòn bẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (14:05 16/04/2019)


HNP - Thông qua cơ chế, chính sách, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tâp trung hỗ trợ phát triển các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã giúp các các sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội.

Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Công Thương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đáng chú ý, năm qua, các sở, ngành thành phố đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động được 46 doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Đồng thời, xây dựng 2 bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội và top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà nội; tổ chức hội nghị hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng ưu tiên thu hút dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố đã phối hợp tổ chức Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác, đầu tư và phát triển nhằm quảng bá thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp: Hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Khu công nghiệp Quang Minh 1; kêu gọi đầu tư đối với 57 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố theo Quy hoạch phát triển cung công nghiệp đến năm 2025. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thu hút được 13 dự án đầu tư mới, trong đó, có 6 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; hướng dẫn 4 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục mở rộng sản xuất kinh doanh; thu hút đầu tư được 79,1 triệu USD. Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thụ lý giải quyết từ 1,5 đến 10 ngày làm việc cho chủ đầu tư, chủ dự án nhằm giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn cơ hội đầu tư.

Để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, nhiều quận, huyện, thị xã cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Đơn cử, năm qua, UBND huyện Mê Linh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn huyện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tuyên truyền doanh nghiệp chấp hành quy định của Nhà nước...

Đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Căn cứ vào Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được thành phố phê duyệt, năm qua, các sở, ngành liên quan của thành phố đã tập trung đánh giá, xét chọn. Đến ngày 31/7/2018, có 73 sản phẩm của 46 doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn được doanh nghiệp tự đánh giá đạt yêu cầu. Sau khi phân tích, đánh giá, xét chọn, UBND thành phố công nhận sản phẩm chủ lực công nghiệp Hà Nội năm 2018 đối với 61 sản phẩm và công nhận Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2018 đối với 10 sản phẩm.

Trên cơ sở kết quả đạt được, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện mục phấn đấu đến năm 2020 sẽ có hơn 80 sản phẩm công nghiệp chủ lực; doanh thu từ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng 33 đến 35% doanh thu sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Để hoàn thành chỉ tiêu này, thành phố triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Hỗ trợ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; tăng cường quảng bá thương hiệu, kết nối giữa sản xuất và phân phối sản phẩm; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, nhất là thuế và hải quan. Trước mắt, trong năm 2019, các sở, ngành thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá, xét chọn sảm phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; tổ chức đánh giá, xét chọn, công nhận khoảng 40 sản phẩm trở thành sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động lồng ghép trong các chương trình: Khuyến công, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và bộ cơ sở dữ liệu thương mại trực tuyến (matching-online). Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo thí điểm gắn với doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm tăng nguồn cung lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t