Hướng đến nền nông nghiệp “Xanh, sạch, an toàn, bền vững” (20:56 10/04/2019)


HNP - Công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ tăng năng suất của sản phẩm trồng trọt, đặc biệt là lương thực. Đây là tiền đề quan trọng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp Hà Nội “Xanh, sạch, an toàn, bền vững”.

Tạo bước chuyển trong nhận thức

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố không nhiều, tuy nhiên, trên thị trường có hàng trăm hoạt chất thuốc trừ sâu, bệnh được dùng trên rau màu với hàng nghìn tên thương phẩm, nên nông dân đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn thuốc sử dụng phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tăng cường đào tạo, tập huấn đồng ruộng cho cán bộ và nông dân. Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến nay, Chi cục đã tổ chức 6 lớp đào tạo giảng viên về IPM trên cây lúa với 180 giảng viên là nhân viên các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận, huyện, thị xã, cán bộ khuyến nông, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã ở các địa phương trọng điểm sản xuất lúa tham gia; tổ chức 225 lớp học đồng ruộng về IPM trên các cây trồng cho 7.650 nông dân; 93 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa.

Còn trên cây ăn quả, cây chè, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức 1 lớp đào tạo giảng viên TOT trên cây ăn quả cho 30 học viên; 230 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 11.500 nông dân trực tiếp trồng cây ăn quả, cây chè; 14 lớp IPM cho 112 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; 8 lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho 640 người tiêu dùng; tiến hành 5 thử nghiệm về thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật mới trong phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả; xây dựng 16 mô hình chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm trên cây chuối, bưởi, đu đủ, nhãn chín muộn, cam Canh và cây chè.

Đáng chú ý, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng, phát triển được 25 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng mô hình giám sát cộng đồng (PGS). Theo đó, đã có 208 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, với số lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng là 42 tấn/ngày. Sản phẩm của 25 chuỗi này được người tiêu dùng tin tưởng; thu nhập của người sản xuất cũng tăng nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ cây trồng, tăng năng suất sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tiềm ẩn nguy cơ, làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường,... Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, đòi hỏi công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Nội phải có sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu hạn chế, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng chất lượng nông sản đồng thời bảo vệ tốt môi trường,...

Để làm tốt nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân giảm việc sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học,… Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật. Với nhiệm vụ được giao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, các lớp IPM,... Bên cạnh đó, quản lý chặt đầu vào và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường,...

Liên quan đến nhiệm vụ trên, về phía các địa phương, phải từng bước nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý sản xuất rau an toàn, quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn với các giải pháp như: Đề nghị Chủ tịch UBND các xã ký cam kết với UBND cấp huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội để thực hiện quản lý, chỉ đạo sản xuất rau an toàn và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo đúng quy định; xây dựng và hình thành các quy định của địa phương về quản lý sản xuất rau an toàn, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, từ đó, hướng đến nền nông nghiệp “Xanh, sạch, an toàn, bền vững”.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t