Tháo gỡ rào cản, tăng cường phát triển du lịch (10:36 19/03/2019)


HNP - Những năm trở lại đây, Hà Nội liên tiếp được các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và châu Á. Nếu như năm 2014, Hà Nội đón 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế thì đến hết năm 2018, con số này đã tăng gấp đôi. Song, để du lịch Hà Nội đóng góp nhiều hơn nữa vào cơ cấu kinh tế, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.

Khách du lịch quốc tế tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám


Năm 2018, Hà Nội đón 26,3 triệu khách du lịch, trong đó, có hơn 6 triệu khách quốc tế, Hà Nội đã vượt xa mục tiêu của Quy hoạch phát triển du lịch và đã vượt cả mục tiêu đón khách quốc tế năm 2020 trong Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Lượng khách du lịch đến Hà Nội, nhất là khách quốc tế tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây chứng tỏ chủ trương thành lập một cơ quan nhà nước về quản lý du lịch của thành phố là đúng đắn. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô. Tổng thu từ du lịch năm 2018 đạt gần 77,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sự bứt phá mạnh mẽ nhất diễn ra từ năm 2015 đến nay. Sự tăng trưởng này cũng cho thấy chủ trương đúng đắn của thành phố khi thành lập một cơ quan nhà nước phụ trách về du lịch vào năm 2015. 
 
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc có một cơ quan chuyên trách giúp cho công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch, từ đó tham mưu cho thành phố xây dựng các chính sách sát với thực tế hơn; việc đề ra các giải pháp khắc phục nhược điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của Hà Nội cũng trở nên hiệu quả hơn. Cụ thể là thời gian gần đây, thành phố đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, hoạt động của tuyến du lịch bằng xe buýt hai tầng… Sở Du lịch cũng tư vấn các quận, huyện xây dựng những chiến lược phát triển du lịch phù hợp với lợi thế của địa phương. 
 
Về công tác nghiên cứu, Sở Du lịch đã triển khai thực hiện khảo sát, phân tích cơ cấu chi tiêu của khách du lịch. Đây là cơ sở để tạo ra các sản phẩm phù hợp, nhằm tăng chi tiêu của khách. Hiệu quả bước đầu là mức chi tiêu của khách quốc tế năm 2018 đã tăng gần 18% so với năm 2017 (từ 2,215 triệu/ngày đêm lên 2,611 triệu/ngày đêm). Ngoài số lượng khách tăng trưởng, những năm gần đây, thành phố luôn lọt vào danh sách những thành phố hấp dẫn nhất thế giới và khu vực. Năm 2018, tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Hà Nội là 1 trong 8 điểm đến cho mọi đối tượng du khách; trang TripAdvisor bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến tốt nhất thế giới… 
 
Tuy nhiên, việc ngành du lịch nhiều lần bị tách ra, nhập vào cũng khiến công tác quản lý nhà nước, nhất là tại các địa phương gặp khó khăn. Một số quận, huyện lúng túng không biết đưa hoạt động quản lý du lịch vào hoạt động của ngành văn hóa hay của khối kinh tế. Các quận, huyện đều không bố trí được cán bộ chuyên trách. Điều này dẫn đến các chính sách về du lịch chậm được phổ biến, triển khai khi xuống cơ sở; khi có vấn đề xảy ra, Sở Du lịch cũng thiếu đầu mối để đôn đốc. 
 
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, do biên chế của các quận, huyện có hạn. Trong đó số cán bộ văn phòng đã chiếm từ 20 đến 30 người nên không thể bổ sung thêm nhân lực phụ trách du lịch. Mặt khác, ngoài những địa phương có truyền thống du lịch như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Ba Vì, Mỹ Đức,… nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đến việc tìm ra các sản phẩm du lịch cho địa phương mình. Trong khi đó, hệ thống di tích, di sản dày đặc; nhiều di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; hệ thống 1.350 làng nghề,… trải khắp các quận huyện. Tiềm năng này đang bị lãng phí khi nhiều di tích, làng nghề không đón được khách tham quan. Chưa kể, Hà Nội không thiếu những thắng cảnh đẹp. Đại diện nhiều sở, ngành cho rằng cần phải đổi mới tư duy trong phát triển du lịch. Đôi khi, chỉ một hoạt động nhỏ như làm một vườn hoa để khách đến chụp ảnh cũng đã là một sản phẩm du lịch. 
 
Riêng với lĩnh vực làng nghề, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, hiện tại, Hà Nội đang quy hoạch nhiều cụm công nghiệp làng nghề tập trung. Tại đây, khi quy hoạch và xây dựng, các đơn vị nên chú ý đến phát triển những sản phẩm gắn với du lịch. Chẳng hạn, một số điểm du lịch làng nghề nên xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm ở trung tâm. Khách du lịch đến đây được biết nhiều sản phẩm, sau đó họ sẽ tham quan nơi sản xuất sản phẩm ấy. Để làm được điều này, các địa phương, các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, một số dự án trên địa bàn còn triển khai chậm như: Trung tâm Triển lãm quốc gia, Công viên Kim Quy, Công viên chủ đề Hello Kitty,… hay một số khách sạn cũng gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư. Điều này khiến khả năng đáp ứng nhu cầu khách du lịch có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
 
Có thể nói, du lịch Hà Nội đang ngày một phát triển không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà còn thu hút khách quốc tế. Dẫu vậy, để đạt được kỳ vọng, vẫn cần có sự phối hợp giữa các địa phương với ngành du lịch cùng các ngành, các cấp rà soát kỹ nhằm tìm ra thế mạnh, tạo thêm những sản phẩm du lịch. Đặc biệt, phát triển du lịch cũng phải đi đôi với bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch; hoàn thiện hạ tầng;… đáp ứng nhu cầu đón khách du lịch đến Hà Nội ngày càng tăng.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t