Đẩy mạnh tuyên truyền về bán hàng bình ổn giá (15:33 23/02/2019)


HNP - Theo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vào đầu năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố đã phân phối có hiệu quả các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá tới tận tay người dân, không có tình trạng “găm hàng, tăng giá” trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, tại một số điểm bán hàng bình ổn, có không ít mặt hàng không thuộc danh mục được bày bán chung với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; việc treo biển thông báo khu vực bán hàng bình ổn giá còn thực hiện chưa đầy đủ.

Hàng hóa phong phú

Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo sớm, giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý nguồn hàng, các kênh bán hàng, chất lượng và dịch vụ bán hàng... nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán; tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Sở đã vận động 20 doanh nghiệp (không sử dụng ngân sách thành phố, các doanh nghiệp cam kết tự nguyện thực hiện chương trình) tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ Tết, tổ chức đưa hàng bình ổn đến trên 10.000 điểm bán hàng (tăng gần 50% so với năm 2018). Đồng thời, Sở Công thương cũng tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác cung cấp, bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố.

Qua khảo sát trực tiếp tại một số điểm bán hàng bình ổn giá, nhiều thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách nhận định, các điểm chợ hoa, chợ truyền thống, công tác tổ chức quản lý giá sản phẩm cho thấy hầu hết các chợ đầu mối, chợ huyện, chợ xã hàng hóa bày bán cơ bản bảo đảm chất lượng; hàng hóa đa dạng, phong phú, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm phần lớn, không có tình trạng thiếu hàng, bảo đảm nguồn cung phục vụ tết cho nhân dân; giá cả được niêm yết theo quy định, có nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo đảm.

Đáng chú ý, tại các điểm bán hàng bình ổn giá, các chợ truyền thống, chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu của người dân, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản ổn định, biến động không nhiều, không có hiện tượng tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết.

Cần mở rộng tuyên truyền đến người dân

So với các năm trước, hoạt động bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến, song vẫn còn một số bất cập. Tại một số siêu thị, chợ truyền thống, sạp hàng, ki ốt bán hàng bình ổn giá, song không treo biển nên chưa có tác dụng tuyên truyền đến người dân. Cụ thể, tình trạng này xảy ra tại siêu thị Lan Chi (tại Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh, Chương Mỹ), Siêu thị Hapro (Đông Anh); điểm bán hàng bình ổn giá và một số quầy hàng tại chợ Hà Đông và chợ truyền thống Xuân Mai (Chương Mỹ)…

Đặc biệt, tại các chợ truyền thống (loại 2, loại 3), chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm hàng hóa còn khó khăn, giá bán chưa được niêm yết, xuất xứ nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó kiểm soát.

Để bảo đảm thực hiện tốt việc bình ổn giá sau Tết Nguyên đán, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện công tác bình ổn thị trường cung, cầu hàng hóa. Ngoài ra, các Sở Công thương, Tài chính, Cục Thuế và Công an thành phố cần phối hợp lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục ra quân kiểm tra sau Tết Nguyên đán, chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá bán, công khai các điểm bán hàng bình ổn giá. Kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vi phạm các quy định về bình ổn giá, cố tình nâng giá để trục lợi.

Ngoài ra, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố cũng đề nghị Sở Công thương phối hợp các cơ quan báo, đài phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. “Các sở chuyên ngành cần phối hợp quản lý tốt thị trường; phải kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vi phạm các quy định về bình ổn giá, cố tình nâng giá để trục lợi nếu có” - bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t