Hợp tác xã nông nghiệp: Ðổi mới để phát triển bền vững (18:17 15/02/2019)


HNP - Trong thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đóng góp tích cực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh, chính trị.

Ứng dụng công nghệ ấp trứng gà tại Hợp tác xã Nam Việt, huyện Chương Mỹ


Những năm gần đây các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động ổn định, có nhiều đóng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Từ thực tế thời gian qua cho thấy, đã có nhiều HTX làm tốt vai trò hỗ trợ cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng.
 
Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp đã tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng vật tư, giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư.
 
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hoạt động bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, một số HTX đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, phương tiện, thuê đất để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm thường xuyên cho các thành viên và người lao động. Đồng thời, các HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, giúp đỡ thành viên nghèo khó khăn vươn lên.
 
Các HTX không chỉ bảo toàn và tăng trưởng vốn quỹ mà còn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều hành sản xuất, tổ chức tập huấn, trình diễn mô hình đầu bờ về quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, bảo vệ đồng ruộng, tu sửa, kiên cố hóa kênh mương nội đồng... Nguồn vốn của HTX được hình thành chủ yếu từ vốn điều lệ và vốn góp của thành viên. Hiện nay, vốn hoạt động bình quân ở một HTX nông nghiệp thành phố là 1,4 tỷ đồng. 
 
Một số HTX nông nghiệp thành lập mới tổ chức sản xuất kinh doanh có nguồn vốn đóng góp lớn như: HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Yên Duyên, quận Hoàng Mai có vốn hoạt động 125 tỷ đồng; HTX Thống Nhất - Trung Văn, quận Nam Từ Liêm có vốn hoạt động 82,6 tỷ đồng, doanh thu năm 2018 đạt hơn 66 tỷ đồng, lãi đạt 12 tỷ đồng.. .Doanh thu dự kiến bình quân của 1 HTX trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm hiện tại là 1,5 tỷ đồng/HTX/năm. Lãi bình quân của 1 HTX đạt 160 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp là 24,2 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, đạt 102,9%.
 
Như tại HTX nông nghiệp xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, trong năm qua, đơn vị này cũng tích cực đưa cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Ông Lê Văn Lanh, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Nam Phương Tiến cho biết, trong những năm qua, xã đã đầu tư 6 máy làm đất (máy Bông Sen) do công suất nhỏ hiệu quả không cao nên năm 2016 HTX đã đầu tư mua thêm 1 máy làm đất KUBOTA để phục vụ nhân dân. Đến năm 2018, xã đã nhận được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT nên đã mua thêm được 1 máy KUBOTA để mở rộng sản xuất. Nhờ vậy hiện nay các máy hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu về làm đất cho người dân trên địa bàn xã.
 
Tại huyện Gia Lâm, trước đây, xã Đặng Xá là vùng chăn nuôi bò sữa tập trung lớn của Hà Nội với lượng chất thải phát sinh mỗi ngày gần 10 tấn, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề nan giải ở đây. Nhận thức được nguy cơ trên, HTX Làng Gióng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ xử lý phân hữu cơ bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Đến nay, lượng phân bò phát sinh tại xã Đặng Xá đã được HTX thu gom, xử lý triệt để. Không chỉ giúp giải bài toán ô nhiễm, sản phẩm sau xử lý trở thành phân vi sinh có giá trị kinh tế cao.
 
Hiện, thành phố có 13 HTX nông nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hà Nội là địa phương đứng thứ ba cả nước về số HTX NN công nghệ cao, sau Lâm Đồng (36 HTX) và Long An (14 HTX). Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội.
 
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mục tiêu của thành phố là đến năm 2020 thành phố sẽ duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Tăng tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, bán tự động, CNTT và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. 
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thành phố sẽ phấn đấu tăng số lượng HTX tham gia liên kết sản xuất và HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ cho tất cả cán bộ quản lý HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t