Phát triển làng nghề ở Hà Nội:


Bài 2: Tận dụng cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (15:12 05/01/2019)


HNP - Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) xuất phát từ các nước phát triển nhưng đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của toàn thế giới, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong hoạt động của các quốc gia và các doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững của các làng nghề Hà Nội trong bối cảnh mới, các cơ quan quản lý Nhà nước và các làng nghề phải có trách nhiệm và hành động để tận dụng triệt để những cơ hội mà tương lai mang lại.

Các làng nghề cần áp dụng khoa học công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn


Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 được thế giới nhận định không đơn thuần chỉ là sự tiếp nối của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 bởi những đột phá về tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của nó. Cuộc Cách mạng này mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế thế giới, mà các làng nghề cũng là một bộ phận trong đó. Các làng nghề sẽ có không ít cơ hội để phát triển trong điều kiện mới này. Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho rằng, sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy vi tính đã khiến cho thị trường của các sản phẩm làng nghê rộng mở hơn rất nhiều. Nếu như trước đây các làng nghề có thể phụ thuộc vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan Nhà nước để gặp gỡ đối tác thì bây giờ khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm của làng nghề chỉ bằng công cụ tìm kiếm trên Internet. Đồng thời, các doanh nghiệp làng nghề cũng có thể dễ dàng tìm kiếm được những bạn hàng đang có nhu cầu về sản phẩm của mình trên những diễn đàn điện tử.
 
Không những vậy, thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt nhu cầu khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số toàn cầu. Nhờ có những phân tích tự động này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm kiếm và tiếp cận một cách tối ưu nhất tới từng khách hàng, hiểu được nhu cầu, sở thích của họ và làm ra những sản phẩm ăn khớp nhất với yêu cầu của khách hàng ngay cả khi họ chưa yêu cầu. Mặt khác, công nghệ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp cho sản phẩm thủ công làng nghề tạo dựng được thương hiệu của mình.
 
Đặc biệt, công nghệ mới sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu những sản phẩm chưa từng được xuất khẩu do tính đặc thù. Ẩm thực cũng là một sản phẩm rất nổi bật ở nhiều làng nghề truyền thống Hà Nội nhưng hầu như các sản phẩm này khó xuất khẩu do các sản phẩm thủ công thường không thể bảo quản để đưa đến các thị trường xa và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo. Đến nay, công nghệ sinh học cũng là một điểm sáng trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nó sẽ hỗ trợ rất hữu ích cho việc bảo quản thực phẩm một cách an toàn cho sức khỏe người sử dụng nhất mà vẫn giữ được hương vị của món ăn. Công nghệ sẽ góp phần đưa những sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu làng nghề, mang thương hiệu Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới.
 
Mặc dù cuộc cách mạng 4.0 sẽ có thể đem lại rất nhiều lợi thế như trên nhưng nếu các cơ quan quản lý nhà nước và các làng nghề không thay đổi cách quản lý, tư duy sản xuất kinh doanh thì việc tận dụng các cơ hội sẽ rất khó khăn và hiệu quả mang lại sẽ không cao. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh rằng, để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại hiệu quả thiết thực cho các làng nghề, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo các làng nghề và những người làm nghề về xu hướng và tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0. “Vì khái niệm và thông tin về Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn khá mới mẻ với hầu hết các làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng, nên rất cần có sự cung cấp thông tin và định hướng từ các cơ quan quản lý nhà nước”.
 
Mặt khác công nghệ sẽ phát triển với tốc độ rất nhanh và buộc hoạt động của chúng ta phải thay đổi để bắt kịp xu hướng nếu không sẽ đánh mất thị trường vào tay những đối thủ nhanh hơn. Do đó, Nhà nước phải hết sức tạo điều kiện và hỗ trợ các làng nghề trong việc tiếp xúc với công nghệ và thay đổi cách thức hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước phải làm tốt vai trò hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các làng nghề. Đây luôn là điều quan trọng nhất sau khi đã có sản phẩm bởi nếu không có khách hàng thì sản xuất cũng không thể tồn tại. Bằng các công cụ và nguồn lực của mình, Nhà nước cần có những hành động để xúc tiến việc trao đổi giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp làng nghề trong nước đề mở rộng thị phần và tăng cường sức mạnh Thương hiệu Quốc gia cho các sản phẩm làng nghề.
 
Song song với những hoạt động hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các làng nghề cũng buộc phải chuyển mình để thích ứng với tình hình thực tế. Theo đó, các làng nghề phải nhận thức rõ về xu hướng và tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến sự sống còn cùa hoạt động làng nghề. Cùng với sự nỗ lực tuyên truyền của nhà nước, bản thân các làng nghề và những người làm nghề cũng cần tự nhận thức được bối cảnh mới đang tác động mạnh mẽ đến thị trường của mình thế nào để có tâm thế sẵn sàng và thay đổi kịp thời. Các làng nghề cần nhận thức rõ thế mạnh của mình để ngày càng phát huy, đồng thời chủ động học hỏi, khắc phục các hạn chế, tăng tính thương hiệu và tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cũng như khẳng định được các thế mạnh của sản phẩm thủ công so với sản phẩm công nghệ.
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp làng nghề cần chủ động tìm kiếm thị trường và khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ. Tận dụng công nghệ để phân tích dữ liệu khách hàng và sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh mới, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các hiệp định FTA, hiệp định CP-TPP đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm thị trường của riêng mình.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t