Củng cố, đổi mới phát triển kinh tế tập thể: Yêu cầu cấp thiết (13:33 15/10/2018)


HNP - Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã của Hà Nội đã khẳng định rõ vai trò, vị trí trong cơ chế thị trường. Tuy vậy, khu vực kinh tế này vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Việc củng cố, đổi mới quan hệ sản xuất của kinh tế tập thể, đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Điểm tựa vững chắc

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội, điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế tập thể của Hà Nội là ngày càng thích ứng tốt hơn trong cơ chế thị trường. Đơn cử, 906 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã tổ chức tốt các khâu dịch vụ như: Cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, khuyến nông, thủy lợi nội đồng, bảo vệ đồng điền, dự thính dự báo, dịch vụ làm đất, mạ khay, máy cấy, gặt đập liên hoàn... Một số HTX đã mở rộng các dịch vụ, như: Vệ sinh môi trường, nước sạch, quản lý điện, chợ... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thành viên sản xuất bảo đảm mùa vụ, người dân cũng mặn mà hơn với ruộng đồng, hạn chế việc bỏ ruộng... Tại các HTX nông nghiệp, như: Phú Thắng (huyện Phú Xuyên), Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), Dương Liễu (huyện Hoài Đức), Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Văn Quán (huyện Mê Linh), Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ)... do làm tốt các khâu dịch vụ, đã tạo sự gắn kết giữa thành viên với HTX và tin tưởng vào sự điều hành của hội đồng quản trị. Hay, một số HTX nông nghiệp, như: An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Dị Nậu (huyện Thạch Thất)... đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX...

Đáng nói, nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động thuê chuyên gia, kỹ thuật giàu kinh nghiệm để hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn thành phố có khoảng 60 HTX đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, VICAS. Để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, ngoài đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản, các HTX nông nghiệp đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị. Đến nay, có 43 HTX tham gia các chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu ở khâu tổ chức sản xuất, đơn cử như: HTX Tam Hưng (huyện Thanh Oai), HTX Gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), HTX Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì)...

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng cũng xuất hiện nhiều HTX điển hình tiên tiến. Đơn cử, HTX Công nghiệp Trường Sơn (quận Đống Đa), 9 tháng năm 2018, doanh thu đạt 5,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; HTX Đồng Tâm (huyện Thanh Trì) chuyên sản xuất xe chở rác, xe thu gom rác, xe chở trái cây, xe kéo hàng, xe cho người khuyết tật... Sản phẩm của HTX tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và địa phương, như: Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. 9 tháng năm 2018, HTX đã sản xuất hơn 500 sản phẩm xe các loại, doanh thu đạt 1 tỷ đồng, thu nhập người lao động bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng... HTX Công nghiệp Thăng Long (quận Hoàng Mai) sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa, doanh thu 9 tháng năm 2018 đạt hơn 2 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng...

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế hợp tác vẫn đứng trước những thách thức, hạn chế. Do duy mô HTX trên địa bàn thành phố còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực nội tại thấp. Nhiều thành viên HTX nông nghiệp chuyển đổi chưa ý thức đầy đủ nghĩa vụ của mình trong HTX, còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các HTX khó cạnh tranh trong cơ chế thị trường hiện nay. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thông, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm, chưa đủ khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề mới.

Việc sử dụng vốn của một số HTX hiệu quả thấp, chưa phát huy được nội lực; công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán ở một số HTX chưa được chú trọng nên việc ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách thuế đối với các HTX và tổ chức lại hợp tác xã theo Luật HTX năm 2012. Đáng nói, việc phối hợp của sở, ngành liên quan với các quận, huyện, thị xã chưa được thường xuyên, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, yếu kém của các đơn vị thành viên, nhất là việc nhân rộng điển hình tiên tiến còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng, lâu dài của kinh tế hợp tác và chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ cho kinh tế hợp tác phát triển.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn trên, trước hết các ngành, các cấp tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX năm 2012, vai trò tích cực của HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và đầu ra cho sản phẩm của các thành viên HTX. Tích cực giới thiệu sâu rộng các điển hình HTX kiểu mới trong các lĩnh vực để nhân dân tự tin, chủ động tự liên kết hình thành các HTX kiểu mới và phát huy tốt nhất các hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội và các quận, huyện, thị xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể. Trước mắt, trong quý IV/2018, các cấp, các ngành, mà nòng cốt là Liên minh HTX TP Hà Nội thực hiện tốt 17 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục tham mưu với thành phố thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Cùng với đó, xây dựng Đề án phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, xây dựng 15 mô hình HTXgắn với chuỗi giá trị sản phẩm; hoàn thành chỉ tiêu về củng cố HTX tại xã xây dựng nông thôn mới...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t