Quán triệt nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng (17:03 09/08/2018)


HNP - Sáng 9/8, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng.

Các đại biểu tham gia dự hội nghị tập huấn


Theo đó, Luật An ninh mạng được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Luật quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 
 
Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV; Nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước. Trong đó có facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; Các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
 
Báo cáo viên tại hội nghị, Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Đình Đỗ Thi - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết, hiện, người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trạng mạng của Facebook, Google, Youtube hay bất kỳ trang mạng nào khác ở trong và ngoài nước. Luật An ninh mạng không hề cấm việc này. Không những thế, Luật còn quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội. 
 
Tuy nhiên, người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, quy định lưu trữ dữ liệu trong Luật An ninh mạng cũng không gây cản trở và khiến Facebook, Google rút khỏi Việt Nam.
 
Theo báo cáo viên, việc lưu trữ dữ liệu người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí kinh doanh, tăng mức tốc độ truy cập và nâng cao chất lượng dịch vụ; giúp các nhà mạng trong nước tiết kiệm kinh phí khi phải mua băng thông quốc tế. 
 
Về kỹ thuật, việc lưu trữ dữ liệu trong nước được tiến hành dễ dàng khi công nghệ cho phép, nhất là áp dụng công nghệ điện toán đám mây và các doanh nghiệp này đã có sẵn kinh nghiệm và thiết bị do áp dụng tương tự ở nhiều quốc gia khác. Một nguyên nhân quan trọng nữa là Google, Facebook đều đã thuê máy chủ tại nước ta. 
 
Thống kê sơ bộ, Google đã thuê khoảng 1.781 máy chủ, Facebook thuê khoảng 441 máy chủ tại 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. “Có gần 50 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và trên 60 triệu người Việt Nam sử dụng Google. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và các doanh nghiệp này đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đô la mỗi năm từ người dùng Việt Nam. Vì vậy, không có lý gì mà họ lại rời bỏ thị trường Việt Nam. Cũng chưa có thông tin chính thức nào về việc này”, Thượng tá Thi cho biết.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t