Nỗ lực xây dựng thành phố Hà Nội là đô thị Xanh, Sạch, Đẹp (12:23 24/07/2018)


HNP - Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có những đầu tư nhất định trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường. Đến nay, chất lượng ô nhiễm môi trường gần đây đã được cải thiện đặc biệt tại các khu các cụm công nghiệp cũng như là khu dân cư tập trung. Tuy nhiên để giữ được môi trường Xanh, Sạch, Đẹp cần thực hiện nhiều giải pháp rất quyết liệt từ cả chính quyền và người dân.

Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) trở thành hồ điều hòa không khí lý tưởng cho nội đô


Trong những năm trước đây, công tác quản lý môi trường của thành phố vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Như việc triển khai cho các dự án đầu tư cho môi trường còn chậm, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn chất thải còn thiếu. Bên cạnh đó ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức cá nhân còn thấp, sử dụng công nghệ sản xuất còn lạc hậu do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng môi trường chung của thành phố. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã kéo theo hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các địa bàn đã gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. 
 
Ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý chất lượng không khí. Trong đó, tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, thiết lập các trạm quan trắc không khí đăng tải thông tin trên trang các web chính thức. Đến nay 10 trạm quan trắc đã được lắp đặt và vận hành. 
 
Dự kiến, từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư xây lắp thêm 70 trạm quan trắc nhằm đánh giá toàn diện chất lượng không khí thành phố từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho thủ đô. Theo ông Nguyễn Minh Mười, song song với đó, Sở TN&MT Hà Nội đang triển khai các chương trình hành động cụ thể, như chương trình không sử dụng bếp tham tổ ong, vận động người dân không đốt rơm rạ, sử dụng các chế phẩm sinh học biến rơm rạ thành phân bón. Tăng cường công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
 
Đánh giá sâu hơn về chất lượng không khí của thành phố, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, hiện nay, hoạt động giao thông là nguồn gây ô nhiễm chính đối với không khí, bên cạnh đó là hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu từ hoạt động của các khu công nghiệp cụm công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp. 
 
Để cải thiện triệt để vấn đề môi trường không khí thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Cụ thể, Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn không khí trong lành của thủ đô. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch môi trường, trong đó, có quy hoạch môi trường không khí cho thành phố Hà Nội. Thành phố sẽ rà soát, hoàn thiện pháp lý về quản lý chất lượng không khí, giám sát, kiểm soát các cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải, báo cáo tự động số liệu quan trắc về một đầu mối là Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội.
 
Riêng đối với việc giải quyết nguồn gây ô nhiễm chính là hoạt động giao thông. Thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức đăng kiểm mới và định kỳ khi cho lưu hành các loại phương tiện giao thông và xe cơ giới. Trong đó, tập trung xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 (Euro 4, Euro 5) trên địa bàn Hà Nội.
 
Theo bà Lê Thanh Thủy, trước mắt, sẽ đầu tư mạng lưới quan trắc tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm về chất lượng không khí. Hiện đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến), số liệu quan trắc không khí được cập nhật 24/24 trên website: www.hanoi.gov.vn. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với một số tổ chức quốc tế lắp đặt thêm 70 trạm nữa đến năm 2020 theo quy hoạch.
 
Ngoài ra, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đưa ra giải pháp về xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xây dựng lộ trình hạn chế xe máy lưu thông trong khu vực nội thành. Tuyên truyền vận động người dân hạn chế và tiến tới không sử dụng than tổ ong trong hoạt động dân sinh, không đốt rơm rạ nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.
 
Về lâu về dài, thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai các dự án đầu tư cho lĩnh vực cải thiện chất lượng không khí còn chậm so với tiến độ đề ra. Huy động các nguồn lực cho công tác cải thiện chất lượng khí hậu. Ban hành các chính sách nhằm thu hút đa dạng được nhiều nguồn vốn, thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia và thu hút vốn viện trợ ODA từ nước ngoài.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t