Đẩy mạnh xã hội hóa vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (16:45 23/07/2018)


HNP - Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất)


Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - một chuyên gia nông nghiệp, thì thành phố Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao khi có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất của Hà Nội đó là vấn đề tích tụ diện tích đất canh tác thành những ô thửa đủ lớn giao cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho rằng: "Hiện nay, cái khó nhất của thành phố Hà Nội là đất đai, thành phố rất khó tập trung đất ở thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Như Tập đoàn Vingroup sẵn sàng hợp tác với thành phố, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn khi không thể tìm thấy ở đâu có diện tích 1.000ha, trong khi các tỉnh, thành khác có thể dễ dàng tìm thấy được". Theo Giáo sư "Để giải quyết vấn đề đất đai chúng ta phải hợp lực với nhau, tạo thành thửa đất lớn như vậy doanh nghiệp mới đầu tư vào". Hiện nay, thành phố tập trung lớn nhất mới được khoảng 100ha. Bài toán hiện nay là chính quyền thành phố cần ban hành cơ chế chính sách hợp lý, cùng với sự góp sức của các nhà khoa học và nhận được sự đồng thuận của người dân như vậy mới thành công được.
 
Một trong những đơn vị thành công với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất). Khi được thành phố Hà Nội tạo điều kiện giao cho hơn 60ha đất đồi núi bỏ hoang tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, đơn vị này đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào cải tạo đất để trồng rau theo tiêu chuẩn hữu cơ và chăn nuôi lợn rừng. Hiện, sản phẩm rau hữu cơ Đại Ngàn và sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại đã được các hệ thống siêu thị uy tín bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định. 
 
Anh Nguyễn Công Hoàn, Quản lý trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết, qua 10 năm xây dựng và phát triển trang trại gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp đã tạo thêm động lực để trang trại phát triển. Cùng với đó, chính quyền cơ sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau sạch, rau hữu cơ, chăn nuôi, qua đó, người dân đã dần dần thay đổi những thói quen canh tác truyền thống.
 
Hiện nay, sau thành công lớn của công tác dồn điền đổi thửa, thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành việc cấp trên 99% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa, đây làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng công nghệ cao mở rộng sản xuất. 
 
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đang tập trung cho công tác tích tụ ruộng đất, trong đó, ban hành các chính sách phù hợp để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX có đất để sản xuất. Tính đến thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp thuê được đất, đã có ký kết với các hộ nông dân để liên kết sản xuất. Điền hình như thành phố đã hỗ trợ Công ty Ba Huân Hà Nội đất tại huyện Phúc Thọ để thực hiện liên kết sản xuất trứng gà sạch, hay hỗ trợ đất cho HTX nông nghiệp Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn mở rộng sản xuất rau an toàn.
 
Khi được tạo điều kiện về đất đai, các doanh nghiệp với phương thức quản lý tiên tiến cùng nguồn vốn lớn, có tầm nhìn và có thị trường tiêu thụ sẽ sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội, từ đó, hỗ trợ rất lớn cho thành phố trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn với các chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững cho người nông dân. 
 
Với chủ trương khuyến khích cũng như tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách của thành phố Hà Nội đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau 7 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020”, thành phố Hà Nội đã có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao với trên 115 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đây là những kết quả bước đầu để thành phố Hà Nội đánh giá rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế chính sách, tích tụ ruộng đất để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t